Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Doanh nghiệp “trầy trật” vì bão dịch

Thanh Hải - 21:33, 30/06/2021

Hơn một năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành là chừng ấy thời gian hàng loạt doanh nghiệp lao đao, khốn khó. Không chỉ sản xuất bị thu hẹp mà hàng hóa cũng ứ đọng… khiến doanh thu sụt giảm. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp còn phải “gồng” mình chi phí thêm nhiều khoản từ công tác phòng dịch, xét nghiệm, trả lãi ngân hàng. Gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động để “cứu” nền kinh tế là vần đề được Chính phủ ưu tiên...

Công nhân một xưởng may ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đang chịu những tác động của dịch bệnh
Công nhân một xưởng may ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đang chịu những tác động của dịch bệnh Covid-19

Doanh thu tụt giảm 

Sở hữu hàng trăm xe tải, phương tiện máy móc các loại cùng đội quân lao động trực tiếp đến 500 người… khiến Công ty TNHH Thúy Danh ở Đô Lương (Nghệ An) “thấp thỏm” giữa mùa dịch. Đây là công ty chuyên về lĩnh vực vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng nên khi dịch bệnh Covid-19 ở Nghệ An bùng phát mạnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty ảnh hưởng nặng nề.

Ông Trần Đức Danh, Giám đốc Công ty TNHH Thúy Danh chia sẻ: Đến 40% lượng hàng hóa của Công ty bị ách tắc, hoặc khó lưu thông do dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, Công ty không hề cắt giảm lao động, bằng mọi cách duy trì đủ 5 tỷ đồng tiền lương mỗi tháng cho người lao động. Cũng theo ông Danh, chi phí bỏ ra để duy trì 15 lái xe ở Lào cũng tốn kém gấp hai lần so với bình thường. Nguyên nhân là do những lái xe này không về nước, họ vận chuyển hàng hóa trên đất Lào, đổi tài ở khu vực quy định của cửa khẩu. 

“Doanh nghiệp dù khó khăn nhưng cũng phải chia sẻ với người lao động. Họ đã đóng góp xây dựng Công ty, là một bộ phận của Công ty, không thể lấy lí do khó khăn vì dịch để sa thải, cắt giảm lao động”, ông Danh khẳng định thêm.

Với những doanh nghiệp lớn, có thâm niên hoạt động thì còn đỡ; riêng những doanh nghiệp vừa và nhỏ; hoặc mới thành lập thì khốn khó trăm bề. Nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản hoặc tạm dừng hoạt động vì thiếu việc, vì doanh thu sụt giảm, thu chẳng đủ bù chi. Một doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng ở Quảng Bình (xin dấu tên) kể khổ: Giá thép tăng "phi mã", trong khi đơn giá xây dựng thì đã duyệt từ năm ngoái. Ngoài ra, giá chi phí nuôi nhân công, xe máy, chi phí phòng chống dịch… vẫn phải bảo đảm khiến chúng tôi thấy “hụt hơi”.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ở Quảng Trị đang gặp khó khăn vì dịch bệnh
Nhiều doanh nghiệp sản xuất ở Quảng Trị đang gặp khó khăn vì dịch bệnh

Tại cụm nhà máy sản xuất các sản phẩm Tấm lợp Fibro xi măng, gạch terrazzo, ngói màu của Công ty Cổ phần Hương Hoàng đóng tại Khu công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh (Quảng Trị), chúng tôi thấy cả một khoảng sân bãi rộng hàng ngàn m2 chất kín hàng trăm ngàn sản phẩm chưa thể xuất bán. Theo lãnh đạo Công ty, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã sản xuất 756.400 tấm lợp Fibro xi măng quy chuẩn, 18.360m2 gạch terrazzo, 45.210 viên ngói màu… nhưng xuất bán chưa hết. 

Ông Nguyễn Văn Xuân, Quản đốc cụm nhà máy Công ty Cổ phần Hương Hoàng trầm tư: Thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Công ty gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến TP. Hồ Chí Minh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng hàng hóa còn tồn của Công ty chiếm khoảng 40%, lớn nhất trong các đợt tồn hàng từ trước đến nay.

Theo thông tin chúng tôi có được, tại Bắc Giang đã có 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khiến gần 150.000 lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42.000 lao động phải ngừng việc; Hải Phòng có hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động kinh doanh thiết yếu…

Câu chuyện sụt giảm doanh thu, hàng hóa tồn đọng, lao động thiếu việc… đã là chủ đề chính được các chủ doanh nghiệp nói nhiều, nói sâu khi chúng tôi đề cập đến ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cơ bản từ vay mượn nhưng chi phí hoạt động của nhà máy, lương lao động… không được nợ đã khiến nhiều ông chủ khốn khó, lao đao.

Gỡ khó vì doanh nghiệp và lao động

Báo cáo sơ bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, chỉ riêng trong quý I/2021, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên; trong đó có 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. Dịch Covid-19 đã khiến 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch cuối tháng 4/2021,  đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh, tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Những khu công nghiệp lớn tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh đã tác động xấu, trực tiếp đến việc làm của hàng triệu lao động.

Nhiều phương tiện máy móc của công ty TNHH Thúy Danh ở Đô Lương (Nghệ An) phải “nằm bãi” do ảnh hưởng của dịch bệnh
Nhiều phương tiện máy móc của Công ty TNHH Thúy Danh ở Đô Lương (Nghệ An) phải “nằm bãi” do ảnh hưởng của dịch bệnh

Trước thực tế ấy, việc gỡ khó, đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp hiện nay, đang là giải pháp, là đòn bẩy quan trọng để “vực” lại nền kinh tế. Và một thông tin không thể vui hơn khi chiều 25/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Sắp tới, sẽ có hàng chục ngàn tỷ đồng được “bơm” vào để cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp và người lao động. Cũng sắp tới, bức tranh kinh tế hẳn sẽ tươi sáng hơn, đời sống của người lao động cũng như nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển chắc chắn sẽ “dễ thở” hơn.

Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh hiện nay đã thực sự nhân lên bao niềm tin, hi vọng cho cộng đồng doanh nghiệp đang “trầy trật” vì dịch bệnh, cho hàng triệu người lao động đang vật vã mưu sinh mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.