Từ một nước nghèo, thu nhập thấp, đến hết năm 2023, Việt Nam đã bước vào nhóm các nước thu nhập trung bình cao; khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa các dân tộc đã được thu hẹp. Thành quả đó là minh chứng sinh động cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được kế thừa, trao truyền và phát huy.
Thành tựu đột phá
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, ngày 20/5/2024, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023. Một trong những điểm nhấn trong Báo cáo là, hết năm 2023, quy mô nền kinh tế của nước ta đạt 430 tỷ USD (tương đương khoảng 10,22 triệu tỷ đồng), bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Trước đó, tại thời điểm tháng 12/2023, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra những số liệu tích cực về mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư. Theo đó, tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 8,33 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn lại khoảng hai thập niên trước mới thấy rõ những thành tựu đột phá của Việt Nam trên các lĩnh vực. Tại thời điểm năm 2003, theo cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế của Việt Nam chỉ đạt khoảng 50 tỷ USD. Như vậy, sau 20 năm, quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 8,6 lần.
Mức sống dân cư cũng được cải thiện rõ rệt. Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2003 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của nước ta lúc đó chỉ đạt 484 nghìn đồng/người/tháng (tương đương khoảng 5,8 triệu đồng/người/năm). Như vậy, sau 20 năm (2003 – 2023), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 17 lần.
Đặc biệt, thành tựu giảm nghèo, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 24,1% (chuẩn nghèo đơn chiều); trong đó các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống có tỷ lệ hộ nghèo rất cao (Tây Bắc là 54,4%; Đông Bắc là 31,7%; Tây Nguyên là 32,7%,...).
Khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền đang từng bước được thu hẹp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, một số địa phương vùng DTTS và miền núi có tốc độ tăng trưởng GRDP cao như: Bắc Giang (13,45%), Hậu Giang (12,27%), Ninh Thuận (9,4%),... Các tỉnh như: Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên đều trên 7% cao hơn trung bình cả nước.
Sau nhiều lần điều chỉnh tiêu chí nhận diện, từ năm 2022 trở đi, việc đo lường tình trạng nghèo được áp dụng theo bộ tiêu chí nghèo đa chiều chuẩn quốc tế (gồm tiêu chí thu nhập và 12 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản). Hết năm 2023, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn 2,93%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn khoảng 17,82%.
Nền tảng vững chắc
Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội cùng với thành tựu trên các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, văn hóa, ngoại giao,... đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Một trong những bài học xuyên suốt, cốt lõi cho sự phát triển bền vững của đất nước được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong các sự kiện chính trị quan trọng, hay các hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương là phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Đây không chỉ là tinh thần đoàn kết, thống nhất mà còn là bài học về ý chí, hành động phải triệu người như một của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và Nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc trong tổ chức thực hiện các quyết sách của Đảng.
Phải khẳng định, cùng với yêu nước, đoàn kết đã trở thành “từ khóa” của những thắng lợi, thành công trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, là bản sắc dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để kiến thiết đất nước.
Nhưng sẽ là phiến diện nếu chỉ đề cập đến đại đoàn kết toàn dân tộc như một truyền thống hoặc như một sức mạnh. Truyền thống phải được kế thừa, trao truyền, được phát huy để trở thành sức mạnh tổng hợp, từ đó đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Cách đây hơn 20 năm, ngày 12/3/2003, tại Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết là “kim chỉ nam” để phát huy sức mạnh, truyền thống của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trích Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã được đánh giá một cách toàn diện tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Nghị quyết số 43-NQ/TW khẳng định: “Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại được thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao”.
Theo TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), việc ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Năm 2024 là năm bản lề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là để thực hiện khát vọng của dân tộc, đưa nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy nội lực của các giai cấp, tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS, từ đó tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa khát vọng đất nước theo Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, là vấn đề được đặc biệt chú trọng.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.