Những hạt nhân xây khối đại đoàn kết
Trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những Bí thư chi bộ, thôn trưởng, già làng, Người có uy tín, đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ chính là những “hạt nhân”, là người định hướng và dẫn dắt để cộng đồng các dân tộc đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau trong cuộc sống và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Già làng A Lào, Người có uy tín ở làng Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Để xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì trong làng luôn có sự chung tay, góp sức của những người có trách nhiệm, như: Bí thư Chi bộ, thôn trưởng, Mặt trận, già làng và Người có uy tín. Đồng thời, bản thân những người này phải luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động và đồng tâm, hiệp lực tạo nên sự đoàn kết, thống nhất để dân làng noi theo.
Tỉnh Kon Tum hiện có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 55% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX (Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng) “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành của tỉnh Kon Tum luôn chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xem đây là động lực để xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều cuộc vận động nhằm phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc; trong đó, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong đồng bào DTTS.
Bà Y Sâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Triển khai Cuôc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện ký kết chương trình phối hợp với Uỷ ban Nhân dân huyện và cam kết giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện với các già làng, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở địa phương để triển khai hiện thực hiện Cuộc vận động. Bởi những già làng, Người có uy tín là những người có tiếng nói quan trọng, giúp cho bà con đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế.
Giúp nhau phát triển kinh tế
Minh chứng như ở thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, Thôn có 321 hộ với 1.268 khẩu (gần 100% là dân tộc Gia Rai). Anh A Khoan, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng cho biết: Đời sống của người dân trong thôn cũng còn nhiều khó khăn, nhưng điều đáng quý là bà con rất ý thức về sự đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm giữ gìn trật tự, an ninh để làm ăn, phát triển kinh tế.
"Là Trưởng thôn, tôi cũng luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động để bà con trong làng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và chung tay xây dựng thôn ngày một giàu đẹp. Riêng bản thân tôi luôn tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, từ đó tôi hướng dẫn và hỗ trợ cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập", anh A Khoan chia sẻ.
Nhận xét về Trưởng thôn A Khoan, anh A Thích người dân trong thôn nói: "A Khoan làm kinh tế rất giỏi và nhiệt tình giúp đỡ bà con. Mỗi lần họp thôn A Khoan tuyên truyền, vận động bà con làm kinh tế bà con rất nghe và tin theo. Như gia đình tôi, nhờ sự hướng dẫn của anh A Khoan nên trồng được cây cà phê, cây cao su. Thu nhập bây giờ ổn định rồi, mỗi năm cũng được hơn 100 triệu".
Đặc biệt, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, toàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 565 mô hình để hỗ trợ 12.713 hộ DTTS nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất.
Trong quá trình triển khai các mô hình, các chi bộ thôn, làng đã rà soát, phân công hơn 12.000 đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và phát huy vai trò của hơn 800 người có uy tín ở các thôn, làng để hướng dẫn, tư vấn giúp các hộ nghèo, cận nghèo DTTS thay đổi phương thức sản xuất.
Ông A Nang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết: Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, Đảng ủy xã luôn quan tâm đến việc phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, bởi có sự đoàn kết thì bà con sẽ cùng giúp nhau về ngày công, cây con giống, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Từ đó, đồng bào DTTS mới thay đổi nếp nghĩ, cách làm hiệu quả hơn.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, hơn 50% số hộ DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thay đổi nếp nghĩ, tự lực vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Gần 50% số hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến cuối năm 2022, có hơn 41% hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo, có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS trong tỉnh, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố; 6.115 hộ nghèo là đồng bào DTTS đã thoát nghèo.
Với niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào DTTS sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau xây dựng cuộc sống mới ấm no, sung túc hơn và chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.