Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc làm việc tại tỉnh Nghệ An

An Yên - 00:54, 30/08/2024

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, ngày 29/8, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Làm việc với tỉnh Nghệ An, về phía Đoàn công tác của UBDT có Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG Hà Việt Quân, đại diện các Vụ: Dân tộc thiểu số, Chính sách Dân tộc.

Về phía UBND tỉnh Nghệ An, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn, đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr bày tỏ  cảm ơn sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tỉnh để Đoàn có thời gian đi thực tế tại 3 địa phương vùng miền núi là Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông. Qua nắm bắt từ cơ sở, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr cho rằng, đã thấy được những vấn đề nổi lên, mà cả Trung ương và địa phương đều muốn tháo gỡ.

Để buổi làm việc có trọng tâm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 7/2024; tập trung vào những kết quả thực tế, nêu bật khó khăn, quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, việc áp dụng cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh có vướng mắc, khó khăn gì không? Năm 2024 đã gần kết thúc, niên độ giai đoạn I của Chương trình MTQG 1719 cũng gần kết thúc, Đoàn công tác rất quan tâm đến việc UBND tỉnh tháo gỡ các cơ chế chính sách ra sao, vấn đề giải ngân như thế nào… Bởi đây là thực tế, là kết quả tạo đà cho chúng ta thực hiện tiếp giai đoạn II của Chương trình MTQG 1719, từ năm 2026 - 2030.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Văn Khánh cho biết, việc thực hiện các nội dung, dự án của Chương trình MTQG 1719 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 giao các đơn vị, địa phương thực hiện là hơn 2.649 tỷ đồng. Để có nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022, tỉnh Nghệ An là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phân bổ vốn và cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn vốn. Việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, tỉnh Nghệ An đề xuất thực hiện tại 2 huyện là Kỳ Sơn và Quế Phong.

Việc kiểm tra thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG 1719 được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm chất lượng các dự án và tiến độ theo niên hạn. Vấn đề tuyên truyền thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng đã được đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, tạo niềm tin và sự ủng hộ sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân.

Năm 2024, số lượng Người có uy tín của tỉnh Nghệ An là 926 người. Các chế độ chính sách dành cho Người có uy tín được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Văn Khánh trao đổi những kết quả, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình MTQg 1719 tại Nghệ An
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Văn Khánh trao đổi những kết quả, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại Nghệ An

Khó khăn hiện nay trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An là ở Dự án 2, Tiểu dự án 1 Dự án 3, Tiểu dự án 1 Dự án 4, Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5, Dự án 6, Dự án 8, Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9.

Tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG Hà Việt Quân trao đã đổi về những vấn đề nổi lên trong quá trình kiểm tra, đánh giá thực tế tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông.

Với gần 5.000 tỷ đồng, Nghệ An là tỉnh có tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 là rất lớn so với cả nước. Nhưng, Nghệ An nằm trong tốp địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp. 

Qua thực tế kiểm tra của Đoàn công tác, cho thấy, các cơ chế chính sách của Trung ương đã được tháo gỡ. Tuy nhiên một số điểm, tỉnh Nghệ An cần quan tâm hơn, như xác định đối tượng thụ hưởng có thể dẫn tới chênh lệch nguồn vốn khi thực hiện. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng một số dự án đặc thù hiện rất khó khăn, việc vận chuyển nguyên vật liệu thi công khó khăn… Vướng mắc về thủ tục cấp phép mỏ tài nguyên...

Đại diện sở GTVT Nghệ An nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường, cầu vào vùng lòng hồ Bản Vẽ
Đại diện Sở GTVT Nghệ An nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường, cầu vào vùng lòng hồ Bản Vẽ

Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG Hà Việt Quân cho rằng: Các dự án Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An tạm thời chia ra 3 nhóm; trong đó nhóm 1 chắc chắn hoàn thành như nội dung về nước sạch, nhà ở, đất ở… Nhóm có thể hoàn thành nhưng cần nỗ lực, quyết tâm cao, như Dự án 8, Dự án 4, Dự án 3… Nhưng có nhóm không thể hoàn thành, bao gồm các dự án định canh, định cư; dự án thi công công trình đường vào 3 xã vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Với công trình này, giấy phép vẫn chưa thể thông qua. Đề nghị tỉnh cần báo cáo với Trung ương đối với các dự án thuộc nhóm khó hoàn thành.

Bà Phạm Thị Thúy Hà - Phó Vụ trưởng Vụ DTTS, UBDT cũng trao đổi một số nội dung tại buổi làm việc. Đó là, công trình trường học ở bản Co Phạt khó kịp tiến độ năm học mới. Dù đã có công trình nước sinh hoạt, nhưng một số hộ dân ở xa vẫn chưa có để sử dụng. Tại hai bản làng của người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát huyện Con Cuông vẫn chưa thấy triển khai nguồn vốn sự nghiệp. Một số vùng khác của Nghệ An cũng chưa triển khai nguồn vốn này. Vì thế, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm chỉ đạo để thực hiện nội dung này để hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho bà con. 

Tại Tiểu dự án 1, Dự án 9 theo phản ánh của địa phương là chưa có hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát chính xác các đối tượng hộ nghèo là hộ khó khăn đặc thù thuộc các DTTS Khơ mú, Ơ Đu và người Đan Lai… để thực hiện các nội dung, Dự án của Chương trình hiệu quả hơn.

Hiện nay, tiến độ thực hiện một số công trình tại huyện Kỳ Sơn đang gặp khó khăn do vướng mặt bằng, thời tiết mưa gió - Trong ảnh: Đoàn công tác UBDT kiểm tra thi công dầm cầu Xốp Nhị huyện Kỳ Sơn
Hiện nay, tiến độ thực hiện một số công trình tại huyện Kỳ Sơn đang gặp khó khăn do vướng mặt bằng, thời tiết mưa gió. (Trong ảnh: Đoàn công tác UBDT kiểm tra thi công dầm cầu Xốp Nhị, huyện Kỳ Sơn)

Làm rõ hơn các nội dung của Đoàn công tác, đại diện Sở GTVT cho biết: Khi mới triển khai dự án đường, cầu vào các xã vùng lòng hồ có chiều dài 12,5km, chủ yếu là đất rừng, trên tuyến có 3 cầu, tổng mức đầu tư 128 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân hết nguồn vốn bố trí từ năm 2022 - 2024. Khó khăn thứ nhất là tuyến đường độc đạo, vật liệu làm dầm cầu phải chở từ tỉnh Hà Tĩnh sang; một số vật liệu như cát, đá phải đóng bằng bao tải và chở bằng thuyền. Một số thủ tục đầu tư, xây dựng dự án vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Tuyến đường đi qua toàn bộ đất rừng là 8,66km, thì đang chờ HĐND tỉnh thông qua. Chiều cao trụ cầu rất nan giải, vì phải cao hơn 50m để tránh cốt ngập của lòng hồ… Quyết tâm của ngành là hoàn thành trong năm 2025 nhưng do có quá nhiều khó khăn nên xin điều chỉnh thời gian sang năm 2026.

Đại diện Sở LĐTB&XH cho biết, đơn vị được giao triển khai Dự án 3, là hỗ trợ đào tạo nghề, mua sắm thiết bị dạy học, gắn kết tạo việc làm… Một số nội dung khó thực hiện do thiếu đối tượng học nghề, dẫn tới thừa nguồn vốn được phân bổ. Thủ tục giải quyết đi xuất khẩu lao động cũng đang khó thực hiện.

Đại diện Sở NN&PTNT cũng chia sẻ: Sở liên quan đến 2 nội dung là Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 của Dự án 3. Nhưng hiện tỷ lệ giải ngân Tiểu dự án 1 còn thấp, mới đạt 9%. Điều này là do nguồn vốn phân bổ chậm, nguồn vốn được giao lớn hơn nhiều so với thực tế thực hiện… Vì vậy, Sở đề nghị có kế hoạch phân bổ nguồn vượt này cho các dự án thành phần khác; đề nghị điều chỉnh mức chi, nội dung chi theo hướng mở rộng đối tượng tại Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3. Với Tiểu dự án 2 của Dự án 3 về quy hoạch phát triển vùng dược liệu, do mới được giao chủ trì từ tháng 7/2024, cũng là nội dung khó thực hiện, do vướng mắc nhiều quy định, thủ tục.

Đại diện Hội LHPN tỉnh cho hay: Hội được giao thực hiện Dự án 8, với 4 nội dung. Hiện nay, các nội dung, hạng mục của Dự án đã được các cấp Hội triển khai nghiêm túc, quyết liệt… Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn khó chi hết nguồn vốn được phân bổ.

Sở GTVT Nghệ An đề xuất lùi thời gian thực hiện xây dựng cầu, đường vào 3 xã vùng lòng hồ Bản Vẽ sang năm 2026 - Trong ảnh: thi công trụ cầu vượt lòng hồ Bản Vẽ tại xã Hữu Khuông huyện Tương Dương
Sở GTVT Nghệ An đề xuất lùi thời gian thực hiện xây dựng cầu, đường vào 3 xã vùng lòng hồ Bản Vẽ sang năm 2026. (Trong ảnh: Thi công trụ cầu vượt lòng hồ Bản Vẽ tại xã Hữu Khuông huyện Tương Dương)

Còn đại diện Sở Kế hoạch đầu tư cho biết: Việc giải ngân vốn đầu tư các Chương trình MTQG được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Vướng mắc nhất hiện nay đối với các dự án là thủ tục chuyển đổi đất rừng, đánh giá tác động môi trường và các giấy phép khác. Vì vậy, đề các cơ quan có thẩm quyền cho phép Nghệ An kéo dài thời gian thực hiện các dự án đặc thù, còn nhiều vướng mắc nêu trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho rằng: Tỉnh rất cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của cơ quan UBDT trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Ngoài các dự án của Chương trình, Nghệ An có thêm 5 dự án thành phần riêng rất khó thực hiện. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành đã bám sát chỉ đạo của Trung ương để triển khai Chương trình và thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hiệu quả rõ nét…

Thực tế hiện nay, tỉnh cũng rất lo lắng về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, mới chỉ đạt 9%. Tỉnh cũng nhận thấy có nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của tỉnh.  Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt các dự án dở dang, những dự án không làm được thì cũng báo cáo cụ thể. Giai đoạn II, tỉnh sẽ xác định các dự án, nội dung theo nhóm nhu cầu để tổ chức thực hiện.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đề nghị tỉnh Nghệ An cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các nội dung, dự án của Chương trình MTQG 1719. Rà soát cụ thể các hạng mục, nội dung, thành phần dự án... để báo cáo Trung ương; cũng như tính toán cho kế hoạch giai đoạn tới trên cơ sở bám sát đối tượng, nhu cầu thực tế, từng loại công trình. Những vướng mắc, kiến nghị của tỉnh Nghệ An, UBDT sẽ tổng hợp để trình cấp có thầm quyền xem xét, điều chỉnh. 

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.