Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình.
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 5, Sở GD&ĐT Lai Châu đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND các huyện, thành phố rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDT nội trú, bán trú, có học sinh bán trú; nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số; xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đầu tư cơ sở vật chất 94 trường; mở lớp dạy xóa mù chữ cho 5.583 người.
Theo kế hoạch nguồn vốn năm 2022 được phân bổ dự toán là 82.951 triệu đồng (trong đó vốn sự nghiệp 6.405 triệu đồng, vốn đầu tư 76.546 triệu đồng). Tính đến nay 15/11/2022 mới giải ngân 6.876 triệu đồng đạt 8,28% kế hoạch.
Theo ông Lê Việt Tuyển - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, triển khai thực hiện Dự án 5, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc tại cơ sở.
Theo ông Lê Việt Tuyển, trong quá trình triển khai Dự án 5 còn vướng mắc một số nội dung. Nhiều hạng mục chưa có sự thống nhất nội dung chi. Cụ thể đối với nội dung “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú" thuộc Chương trình MTQG 1719.
Còn đối với nội dung “đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDT nội trú bán trú, có học sinh bán trú, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục, phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh DTTS chưa thống nhất danh mục thiết bị, đồng thời chưa rõ nguồn vốn thực hiện.
Kiến nghị về những khó khăn vướng mắc tại cơ sở, bà Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ cho biết: Việc triển khai thực hiện nội dung xóa mù chữ còn có nhiều vướng mắc. Công tác vận động người dân phổ cập xóa mù chữ theo chuẩn mới còn gặp khó khăn, do đối tượng là lao động chính trong gia đình, thiếu nguồn nhân lực để phục vụ công tác giảng dạy.
Bà Đỗ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Thèng Sin, huyện Tam Đường cho biết, hiện nay chưa có sách giáo khoa, hoặc tài liệu phục vụ chương trình giảng dạy cho cho chương trình xóa mù chữ.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc cho biết: Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các tiểu dự án thuộc Dự án 5, Bộ GD&ĐT đang triển khai rà soát tại các địa phương để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã giải đáp, làm rõ những kiến nghị của Sở GD&ĐT Lai Châu và các trường được thụ hưởng Chương trình.
Ông Lê Như Xuyên cũng đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu và các trường trong quá trình triển khai nếu phát sinh vướng mắc cần kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan để được hướng dẫn thực hiện kịp thời, hiệu quả Dự án.