Trở lại xã Nậm Giải (huyện Quế Phong) sau 2 năm, chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của xã. Dọc trục đường bê tông nối liền các thôn bản, cờ Tổ quốc tung bay rực rỡ. Hai bên đường, cánh rừng keo bạt ngàn xanh ngát, những đứa trẻ người dân tộc Thái hồn nhiên chạy nhảy, nô đùa bên những nếp nhà sàn xinh xắn.
Qua chiếc cầu sắt vắt qua sông Nậm Giải, leo lên một đoạn đồi dốc khá cao và dài, tới nhà anh Hà Văn Tài, người dân bản Chà Lấu. Căn nhà sàn của vợ chồng anh chị vừa được bộ đội huyện Quế Phong (Nghệ An) và dân quân xã giúp di chuyển vào Chà Lấu hơn một năm nay theo kế hoạch giãn dân của xã.
Dỡ tấm bạt cuối góc nhà để khoe với chúng tôi những bao lúa căng tròn, anh Tài hồ hởi: “Vợ chồng mình trước đây nhà ở ngoài bản, không có ruộng nương, mùa mưa thường xảy ra sạt lở rất nguy hiểm, con còn nhỏ nên vợ chồng mình lo lắm! Được bộ đội huyện và dân quân xã giúp di dời, dựng nhà mới; các anh còn giúp khai hoang trồng 6 sào lúa nước, vụ đầu tiên mình thu hoạch được 3 tạ lúa. Còn cặp lợn giống bộ đội huyện tặng năm ngoái cũng vừa đẻ được 8 con. Nhờ có bộ đội nên năm nay gia đình đã được đón một cái Tết no đủ. Vợ chồng mình biết ơn nhiều lắm!”.
Rời bản Chà Lấu, chúng tôi đến với bản Pục cách đó không xa. Dẫn chúng tôi đi trên con đường được bê tông hóa phẳng lỳ, chỉ tay về dãy cột đèn năng lượng mặt trời ngay hàng thẳng lối bên đường, bà Ngân Thị Phượng, Trưởng bản Pục cho biết: "20 đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời này là do Bộ CHQS tỉnh Nghệ An tặng. Đường vào bản trước đây là đường đất, lổm chổm đá mồ côi, vào mùa mưa trơn trượt, đi lại rất khó khăn. Có trường hợp người dân và cháu nhỏ bị ngã gãy tay, gãy chân, rất nguy hiểm. Nhờ các chú bộ đội đến giúp nổ mìn, phá đá, hỗ trợ hơn 35 tấn xi măng làm đường còn huy động lực lượng đổ hơn 500 m đường bê tông, giúp bà con đi lại thuận tiện, an toàn hơn”.
Theo Trung tá Trần Vũ Bình, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quế Phong: Nậm Giải là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Quế Phong; hầu hết là đồng bào dân tộc Thái sinh sống; nhiều phong tục tập quán lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Người dân nơi đây chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Với tinh thần vì Nhân dân phục vụ, thực hiện nhiệm vụ kết hợp làm công tác dân vận, hằng năm, cán bộ, chiến sĩ luôn là lực lượng đi đầu trong công tác giúp dân.
Thực hiện phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2012, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã khảo sát và quyết định nhận “đỡ đầu” xã Nậm Giải.
Từ đó đến nay, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Quế Phong và các đơn vị trực thuộc, huy động hàng chục nghìn ngày công giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các đơn vị đã phối hợp với các lực lượng tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là vấn đề lợi dụng tự do tôn giáo, di cư tự do, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, xóa bỏ các hủ tục; giúp Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...
Ngoài ra, thực hiện chương trình kết nghĩa giữa Ban CHQS huyện Quế Phong với Ban CHQS quận 7 (TP. Hồ Chí Minh), UBND quận 7 đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho địa phương dành mua xe đạp tặng các em học sinh nghèo của huyện, tiếp sức cho em vùng cao có động lực đến trường. Vào dịp lễ, Tết, Bộ CHQS tỉnh đều cử đoàn công tác về xã khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, trao hàng trăm suất quà tặng bà con Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn…
Gắn bó bằng tình thân ái với những việc làm trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên địa bàn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân, theo đó tình đoàn kết quân dân ngày càng thêm gắn bó.