Chia sẻ về việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, giai đoạn 2021-2025, với tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 trên 102,5 tỷ đồng, huyện Định Hóa đã triển khai 9/10 dự án, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn.
Trong đó, nổi bật là việc thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Triển khai dự án này, từ năm 2022 UBND huyện Định Hóa đã đầu tư xây dựng 8 công trình nước tập trung tại các xã chưa về đích NTM trong năm 2022. Đồng thời, phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí cho 880 hộ mua vật dụng chứa nước; 36 hộ đào giếng, xây bể… với số tiền trên 13,6 tỷ đồng.
Tương tự, triển khai Dự án 4 của Chương trình MTQG 1719 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực công tác dân tộc, huyện đã đầu tư khởi công mới các công trình, duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, trường học, trạm y tế... tại 13 xã (xã khu vực III, xã có xóm ĐBKK, xã chưa đạt chuẩn nông mới trong năm 2022, 2023, chưa hoàn thành Chương trình 135). Tổng kinh phí đã thực hiện đạt 70,168 tỷ đồng...
Tính đến nay, vùng DTTS và miền núi huyện Định Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên 95% đường thôn xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 95 % đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Cùng với đó, để giúp các hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, một trong những giải pháp được chính quyền huyện Định Hóa quan tâm triển khai là tăng cường hỗ trợ vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, vay xây nhà ổn định chỗ ở, vay vốn phát triển sản xuất... Hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
Anh Hà Việt Hưng ở xóm Đồng Làn, xã Đồng Thịnh chia sẻ, đầu năm 2022, gia đình anh được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Định Hóa để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Cùng với hỗ trợ vốn, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện cũng thường xuyên đến kiểm tra, đánh giá hiệu quả, đồng thời kết nối với cơ quan chuyên môn để hướng dẫn gia đình anh về kỹ thuật nuôi dê. Nhờ đó, đến nay, đàn dê của anh Hưng có trên 30 con, đang phát triển tốt và bắt đầu sinh sản, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cũng tại xóm Thống Nhất, xã Quy Kỳ, gia đình ông Nông Văn Thủy đã nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, sống trong ngôi nhà tranh, vách nứa đã dột nát. Nay, nhờ có chương trình chính sách, nguồn hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và được vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, vừa qua, gia đình ông đã có điều kiện xây dựng ngôi nhà mới khang trang, yên tâm sinh sống khi tuổi già…
Có thể thấy, từ khi triển khai Chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, tính đến cuối năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện Định Hóa đã giúp hơn 1.100 lao động địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập.
Qua đó, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Định Hóa đã từng bước được cải thiện, nâng lên. Diện mạo nông thôn miền núi của huyện Định Hóa đã có nhiều thay đổi, khởi sắc; cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường trạm, các công trình thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân được quan tâm đầu tư; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo…
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, đến nay hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm từ 17,39% đầu năm 2022 xuống còn 5,42% vào cuối năm 2023, tương ứng còn 1.078 hộ nghèo người DTTS. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số đạt 43,6 triệu đồng/người/năm.