Thôn làng “thay áo mới”
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận đã có sự “thay da đổi thịt”, nhất là ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Những căn nhà xập xệ nay đã được khoác áo mới, nhiều tuyến đường bê tông sạch đẹp nối đến tận các ngõ nhà dân. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư mới, khang trang. Đây chính là thành quả từ sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc.
Đơn cử như tại huyện Tánh Linh, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến, hầu hết các hộ nghèo đều được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở, được hỗ trợ chuyển đổi nghề, hoặc vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trong 2 năm (2022 - 2023), huyện Tánh Linh đã phân bổ hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 130 hộ dân và giúp chuyển đổi nghề cho hơn 100 hộ dân. Dự kiến trong năm 2024, huyện tiếp tục phân bổ vốn để hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề cho gần 100 hộ dân trên địa bàn.
Nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc đã tác động mạnh mẽ, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của địa phương vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.
Ông K’ Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang
Nhờ được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình bà Thị Nghỉn, ở khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh đã xây dựng được căn nhà sau nhiều năm mong ước. “Nhà nghèo, lo kiếm cái bỏ bụng với nuôi con là khó lắm rồi, đâu dám nghĩ đến chuyện nhà cửa khang trang. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với số tiền tích góp, gia đình đã có được căn nhà kiên cố, an cư mới lạc nghiệp”, bà Nghỉn chia sẻ.
Còn ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, chính quyền đã hỗ trợ giải quyết nhà ở, đất ở và chuyển đổi nghề cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân...
“Nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc đã tác động mạnh mẽ, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của địa phương vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, ông K’ Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang khẳng định.
Đẩy mạnh giảm nghèo
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, các chương trình, chính sách được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 đã giúp cho nhiều địa phương được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở và sinh kế cho người dân.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, tổng số vốn được thực hiện Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Bình Thuận là hơn 427,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã giải ngân hơn 233,5 tỷ đồng để triển khai các dự án, tiểu dự án để hỗ trợ cho người dân.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, người dân đã đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng sống. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận giảm 3,05%; thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt 46,8 triệu đồng/năm…
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong những năm qua, địa phương rất quyết liệt trong việc triển khai các chủ trương, chính sách để tăng cường giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, trong đó đẩy mạnh thực hiện các dự án, tiểu dự án từ các chương trình MTQG để hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Địa phương đặt quyết tâm sẽ giải ngân 100% vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài đến nay, riêng với nguồn vốn năm 2024, địa phương cố gắng giải ngân đạt 95%. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có những chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc phân bổ, giải ngân để thực hiện các dự án. Đối với một số tiểu dự án, dự án có tiến độ giải ngân chậm, sẽ tìm cách tháo gỡ để tăng tốc triển khai”, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết.