Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Diện mạo mới ở vùng cao Đồng Lâm: Đường lớn đã mở ... (Bài 2)

Mỹ Dung - 05:42, 08/12/2023

Từ trung tâm thành phố Hạ Long, trên con đường rộng và thẳng tắp đưa chúng tôi đến với xã vùng cao Đồng Lâm, nơi có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đây là kết quả từ chủ trương đúng và trúng sau khi Đồng Lâm- một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Hoành Bồ (cũ) sát nhập vào TP. Hạ Long được thành phố đầu tư thúc đẩy phát triển. Hôm nay, Đồng Lâm đã có diện mạo mới...

Những con đường tạo sắc diện mới cho xã vùng cao Đồng Lâm
Những con đường tạo ra diện mạo mới cho xã vùng cao Đồng Lâm

Đường lớn đã mở...

 Toàn xã Đồng Lâm có 728 hộ dân với 2.775 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm đến 98,2%. Những năm trước kia, Đồng Lâm có nhiều cái thiếu, cái khó, nào là do trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Nào là cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông đi lại khó khăn nên cuộc sống của bà con nơi đây khốn khó đủ đường.

Chị Triệu Thị Mai, một người dân thôn Đồng Quặng nhớ lại những ngày tháng ấy: “Trước kia, đường sá trong xã nhỏ hẹp, nhiều chỗ dốc, đi lại khó khăn lắm. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng có làm ra được cũng chẳng có người mua. Trồng được cây keo để mong đổi đời, thì đến mùa thu hoạch toàn bị ép giá. Đã nghèo lại còn nhiều cái khó nên nhiều gia đình không thoát lên được.

Đó là chuyện trước kia. Đồng Lâm hôm nay đã khác, hưởng ứng thực hiện Chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân đồng thuận, từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Đồng Lâm đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học nhằm hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM mới và từng bước nâng cao đời sống người dân. 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, kể từ sau thời điểm huyện Hoành Bồ sáp nhập địa giới hành chính vào TP. Hạ Long, Thành phố đã giành nhiều nguồn lực để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của các xã vùng cao, trong đó nổi bật là tuyến đường nối 2 thôn Đồng Quặng, với chiều dài 15km và đường Bằng Danh đi thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất…

Đoạn từ nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến thôn Đông Trà, xã Đồng Lâm dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2023
Đoạn từ nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến thôn Đông Trà, xã Đồng Lâm dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2023

Đặc biệt, năm 2022, TP. Hạ Long đã khởi công 02 dự án mang tính động lực gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng ĐT.342 đoạn từ nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, đi qua địa bàn 2 thôn của xã, với chiều dài khoảng 9km là thôn Đồng Trà, thôn Đồng Quặng; Dự án tuyến đường liên xã đoạn từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đi qua thôn Đèo Đọc, thôn Cài, xã Đồng Lâm đến trung tâm xã Đồng Sơn đi qua địa bàn xã Đồng Lâm 9,5km (qua thôn Đèo Đọc và thôn Cài). Đến nay, 02 dự án này đã hoàn thành trên 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2023.

Từ một xã vùng cao, diện tích rộng (diện tích tự nhiên 115km2), địa hình đồi núi dốc đi lại vô cùng khó khăn, trắc trở, 02 tuyến đường hoàn thành hứa hẹn sẽ đem lại nhiều đổi thay cho đời sống của bà con dân tộc Dao nơi đây. Đặc biệt, tuyến đường này sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông trong mùa mưa lũ; tạo điều kiện để giảm thời gian di chuyển giữa xã với trung tâm thành phố và các khu vực, đảm bảo đi lại an toàn, thuận lợi cho người dân. Đây cũng là một cú hích lớn để xã Đồng Lâm sớm hoàn thành một số định hướng lớn của tỉnh là thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao; dồn ghép điểm trường; Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi...(Nghị quyết 06)

Người có uy tín Bàn Tài Vi, thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm chia sẻ về niềm vui đón con đường mới
Người có uy tín Bàn Tài Vi, thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm chia sẻ về niềm vui khi có con đường mới

Chia sẻ về niềm vui này, ông Bàn Tài Vi, Người có uy tín thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm hào hứng cho biết: “Đường đẹp như mơ vậy. Đường thế này thuận tiện nhiều lắm, giao thông đi lại thuận lợi rất nhiều. Trước kia đi lại khó khăn, từ xã ra phường Hoành Bồ (thị trấn Trới cũ) đi bộ mất cả ngày trời. Bây giờ đường rộng, xe cộ đi lại thuận lợi, giờ ra đó đi xe máy chỉ mất khoảng 20 phút thôi. Bà con phấn khởi lắm”.

Diện mạo mới

Các tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn mở đường cho người dân phát triển kinh tế. Nhờ có tuyến đường đi qua mà việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa cũng sẽ thuận lợi, đi lại sản xuất dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, còn mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

“Giờ bà con phấn khởi lắm. Đường mới thế này đi lại thuận lợi hơn nhiều lắm. Trước kia trồng keo vì đi lại khó khăn nên khi thu hoạch, giá vận chuyển cao nên cũng hay bị ép giá. Giờ đường đẹp, dễ đi thì giá vận chuyển giảm, giá cao hơn bắt nhịp giá thị trường chứ không bị như trước nữa”, anh Bàn Sinh Nguyên, Trưởng thôn Đồng Trà cho biết.

Đặc biệt, các dự án giao thông còn có ý nghĩa cùng quan trọng, khi góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Nghị quyết 06  đang được tỉnh tập trung triển khai.

Lãnh đạo xã Đồng Lâm theo sát công tác giải phóng mặt bằng và tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân
Lãnh đạo xã Đồng Lâm theo sát công tác giải phóng mặt bằng và tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân hưởng ứng làm đường giao thông và các công trình phục vụ dân sinh

Ngoài phát triển cơ sở hạ tầng, xã Đồng Lâm nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình kinh tế gia trại, trang trại, có cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hợp lý để bà con học hỏi, áp dụng. Với nhiều chính sách cụ thể và thiết thực, nếu như năm 2020, trên địa bàn xã Đồng Lâm còn 39 hộ nghèo, 132 cận nghèo, thì đến năm 2023 đã không còn hộ nghèò, hộ cận nghèo. Ấn tượng hơn cả là tỷ lệ hộ giàu, hộ khá chiếm gần 38% số hộ trong xã...

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và phát triển, ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho biết: Nhờ được đầu tư các công trình giao thông từ chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác, hạ tầng giao thông của xã Đồng Lâm đã có sự thay đổi rõ rệt, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Nhờ vậy, diện mạo của xã cũng đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. 

"Đường lớn đã mở rồi! Thời gian tới, Đồng Lâm sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để đồng bào có cuộc sống ngày càng tốt hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.