Nâng cao năng lực thể chế
Tham gia Diễn đàn có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện UBND các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái; 11 nhà tài trợ quốc tế.
Diễn đàn là hoạt động thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực thể chế để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030” (Dự án TA6776-VIE) do Ủy ban Dân tộc thực hiện, với nguồn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Nhật Bản vì Châu Á và Thái Bình Dương Thịnh vượng và Thích ứng (JFPR) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Thông qua Diễn đàn, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh tập trung nhiều đồng bào DTTS và cộng đồng đối tác phát triển quốc tế về nhu cầu và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026 - 2030.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết, cùng với kết quả giảm nghèo rất ấn tượng của Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ vừa qua, tỷ lệ nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng giảm đáng kể, nhưng với tốc độ chậm hơn trung bình. Đáng lưu ý là, dù chỉ chiếm 14,6% tổng dân số, nhưng đồng bào DTTS chiếm đến trên 80% số người nghèo tại Việt Nam. Với thực tế đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi thực sự là “lõi nghèo” tại Việt Nam.
Trong số 51 tỉnh có địa bàn đồng bào DTTS và miền núi thì chỉ có 11 tỉnh tự cân đối được ngân sách; 16 tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương từ 50 - 70% và 17 tỉnh phụ thuộc trên 70% vào điều tiết từ ngân sách Trung ương. Do đó, đầu tư cải thiện kết nối tại vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu dựa vào vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương.
Hiện nay, Chính phủ có định hướng ưu tiên thu hút ODA, vốn vay ưu đãi cho những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, quan trọng trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ủy ban Dân tộc với trách nhiệm là Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác thực chất với các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác phát triển.
Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác phát triển để tập trung thúc đẩy kết nối về cơ sở hạ tầng tại các xã, huyện nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi với các trục cơ sở hạ tầng quốc gia để tạo cơ hội tăng trưởng bao trùm. Hỗ trợ phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng sinh kế và tri thức địa phương; bảo tồn và khai thác bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, đa dạng hóa sinh kế;
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho đồng bào DTTS, bảo đảm lực lượng lao động DTTS có đủ kiến thức, kỹ năng, và cơ hội để tham gia bình đẳng vào thị trường lao động chính thức. Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Đổi mới về cách tiếp cận, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Tăng cường năng lực cán bộ công tác tại vùng đồng bào DTTS; nâng cao năng lực điều phối của Ủy ban Dân tộc và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở các cấp.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông nhấn mạnh: Thông qua đối thoại, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin bổ ích, Diễn đàn sẽ cung cấp thêm đầu vào để các cơ quan Chính Phủ, các nhà tài trợ, các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi có những chính sách phù hợp để thúc đẩy thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.
Ủy ban Dân tộc luôn sẵn sàng làm cầu nối
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện 21 dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA, trong đó vốn ODA 5.552.872 triệu đồng, vốn đối ứng 2.064.386 triệu đồng. Các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực gồm nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; y tế - văn hóa - xã hội và một số lĩnh vực khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ mong muốn tiếp tục được tiếp cận với các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, đặc biệt là vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực về hạ tầng giao thông liên vùng, y tế, nông nghiệp, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhận định, hiệu quả các chương trình, dự án ODA đem lại là rất thiết thực, hằng năm bổ sung cho ngân sách tỉnh Lào Cai khoảng 600 - 700 tỷ đồng; góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các xã miền núi khó khăn.
Đặc biệt là đồng bào DTTS, cải thiện môi trường, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân lưu thông trong vùng, nâng cao thu nhập, rút ngắn thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm đều đạt và vượt trên 5%, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các cộng đồng DTTS và các vùng, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng các dân tộc.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Thách thức về thể chế hiện hành (chính sách, qui định, năng lực) trong thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; kinh nghiệm chuẩn bị các chương trình/dự án thu hút nguồn ODA, vốn vay ưu đãi cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; định hướng huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; chiến lược và định hướng ưu tiên hợp tác của cộng đồng đối tác phát triển quốc tế cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho biết, trên cơ sở những trao đổi tại Diễn đàn, Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp các ý kiến về vướng mắc và đề xuất của các tỉnh, cũng như sự chia sẻ của các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ quốc tế, và đối tác phát triển để kiến nghị đối với Chính phủ, với Quốc hội về cơ chế, chính sách phù hợp trong thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông trân trọng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ quốc tế, và đối tác phát triển tiếp tục dành sự quan tâm đến hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh phát huy sự sáng tạo, chủ động trong thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
"Ủy ban Dân tộc luôn sẵn sàng làm cầu nối, đóng một vai trò tích cực để phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, hỗ trợ các địa phương trong thúc đẩy hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác phát triển vì sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi", Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều 29/11, Đoàn đại biểu tham gia Diễn đàn thăm quan mô hình phát triển kinh tế cộng đồng của đồng bào DTTS tại tỉnh Hòa Bình.