Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Mường Lay hiện có 33 bệnh nhân sởi đang được điều trị cách ly ở Khoa Truyền nhiễm. Trong đó, có 24 bệnh nhân của tỉnh Điện Biên và 9 trường hợp của tỉnh Lai Châu, hầu hết các bệnh nhân mắc sởi đều là trẻ nhỏ.
Anh Giàng A Dếnh, ở bản Háng Mù Lừ, xã Xá Tổng, huyện Mường Chà có con gái 2 tuổi đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Mường Lay cho biết: Ở nhà thấy con có các triệu chứng như: ho, sốt cao, nổi ban từ mặt cho đến thân nên đưa con đến bệnh viện thì biết con mắc bệnh sởi. Điều đáng lo là anh Dếnh và con gái đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi.
Ngày 24/7/2018, Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Mường Lay tiếp nhận ca sởi đầu tiên nhưng chỉ đến ngày 31/10/2018, đã có 495 bệnh nhân nhập viện do sởi, trong đó, 462 bệnh nhân đã xuất viện, chưa có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân chủ yếu là từ các xã của huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay và cả của tỉnh Lai Châu sang điều trị chủ yếu là trẻ trên 9 tháng tuổi. Có thời điểm, khoa Truyền nhiễm phải tiếp nhận và điều trị cùng lúc 89 bệnh nhân, gây quá tải cho bệnh viện. Đa phần các trường hợp đang điều trị chưa được tiêm phòng vắc xin sởi.
Bác sĩ Tao Thị Hồng Vân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Mường Lay cho biết: Để đối phó với dịch bệnh này, ngay khi phát hiện ca mắc sởi, Bệnh viện đã tiến hành điều trị cách ly bệnh nhân, tăng cường vệ sinh để thông thoáng khu vực điều trị. Đồng thời, tập huấn lại cho cán bộ ở bệnh viện về chẩn đoán và xử lý đối với bệnh sởi.
Theo Sở Y tế tỉnh Điện Biên, từ cuối tháng 5/2018 đến ngày 28/10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc sởi, chủ yếu tại 4 địa bàn gồm: huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà và thị xã Mường Lay. Trong đó, huyện Điện Biên Đông và Mường Chà có số ca mắc nhiều nhất, với hơn 730 ca, đây cũng là 2 địa bàn có tỷ lệ mắc sởi trên diện rộng (Điện Biên Đông có 14/14 xã có ca mắc bệnh; Mường Chà 5/12 xã có ca bệnh). Các xã, bản có ca mắc bệnh sởi tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, với độ tuổi mắc bệnh chủ yếu từ 1 đến 4 tuổi. Hiện, ghi nhận tại các cơ sở y tế, số ca điều trị khỏi là hơn 750 ca, rất may chưa có trường hợp nào bị tử vong.
Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Bệnh sởi có tính chu kỳ, cứ 4-5 năm lại có dịch. Những năm trước đây, toàn tỉnh thường chỉ có 1-2 ca mắc sởi mỗi năm. Năm nay, diễn biến sởi bất thường, số ca mắc sởi tăng cao. Theo ông Kiên, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ, có những ca nghi mắc sởi đều phải báo cáo để cơ quan chuyên môn tuyến tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế trong tỉnh triển khai các công tác phòng chống dịch sởi, ngoài các biện pháp vệ sinh thông thường, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc xin chống dịch. Hiện nay, lượng vắc xin phòng chống bệnh sởi vẫn đang đáp ứng đủ và đang được tích cực triển khai tiêm chủng.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng chống bệnh, Y tế tỉnh Điện Biên đã chủ động giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế nhằm phát hiện các trường hợp mắc mới; thông báo tình hình dịch bệnh tới lãnh đạo chính quyền địa phương, nhân dân trong xã được biết để cùng tham gia phòng chống dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại các bản có ca bệnh và vùng lân cận về dấu hiệu nhận biết bệnh sởi cách phòng chống dịch, hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân.
Để hạn chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng, tỉnh Điện Biên cũng đã thiết lập vùng cách ly, quản lý ca bệnh điều trị tại các cơ sở y tế và cộng đồng; triển khai phun hóa chất khử trùng bề mặt toàn bộ lớp học, nơi làm việc, nơi ở và các khu vực xung quanh có trường hợp mắc bệnh.
VŨ LỢI