PV: Điện Biên là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong những năm qua đời sống của đồng bào có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chính sách dân tộc đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS?
Ông Lò Văn Mừng: Hàng năm, tỉnh Điện Biên đều tập trung nguồn lực cho công tác an sinh, hỗ trợ các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Để cùng chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh, Uỷ ban MTTQ các cấp tỉnh Điện Biên đã tích cực kêu gọi, huy động nguồn lực ở trong và ngoài tỉnh để chăm lo cho người nghèo. Đề án 09 vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên là một trong những chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, do đó đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bộ, ban ngành trung ương, các tổ chức doanh nghiệp, các cá nhân và nhà hảo tâm và nhân dân trong cả nước. Tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận ủng hộ từ Trung ương và 121 cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức doanh nghiệp với tổng số tiền trên 174 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/11/2023, đã có 4.989 hộ triển khai làm nhà. Trong đó 3.828 hộ đã làm xong nhà,1.161 hộ đang triển khai làm nhà. Về hình thức nhà do các hộ gia đình tự lựa chọn phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc và điều kiện của mỗi hộ gia đình. Trong đó có 1.815 nhà xây, 1.897 nhà gỗ truyền thống, 1.277 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích tối thiểu 36m2 trở lên. Kinh phí thực hiện làm nhà tối thiểu từ 50 triệu đồng/căn.
PV: Để các Chương trình trên đạt được kết quả như mong muốn, MTTQ các cấp trên địa bàn thực hiện việc giám sát triển khai đề án 09 như thế nào ?
Ông Lò Văn Mừng: Triển khai làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo, Ban chỉ đạo của tỉnh đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, đã thành lập 5 đoàn công tác để kiểm tra đối với 10 huyện thị để xác định tiến độ, cũng như là đánh giá lại chất lượng triển khia thực hiện đề án 09. Qua kiểm tra thực tế đánh giá, hiện nay vào điều kiện thời tiết khá là thuận lợi nên các hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà đã tích cực triển khai, tại một số huyện đã cơ bản hoàn thành, còn số huyện còn lại cũng đều xác định phấn đấu tiến độ là hết tháng 12 năm 2023 kết thúc hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà cho người nghèo.
Kiểm tra trực tiếp những hộ đã hoàn thành công trình, đảm bảo các hộ xây dựng công trình theo hình thức, điều kiện cụ thể mà người dân đã lựa chọn phù hợp với văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS. Nhiều hộ gia đình đã bổ sung kinh phí và vận động sự hỗ trợ từ thôn bản và người thân, họ hàng để hoàn thiện để ngôi nhà được khang trang, đẹp hơn. Qua đó, có thể đánh giá mục tiêu dự án hỗ trợ người dân làm nhà với số tiền 50 triệu đồng và người dân huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội đóng góp đã tạo ra một công trình nhà ở cho người dân đứng mong muốn nguyện vọng của người dân cũng như tiêu chí dự án đề ra.
PV: Để đạt được những kết quả đó đã có không ít những khó khăn và thuận lợi, xin ông có thể chia sẻ về những kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện chương trình?
Ông Lò Văn Mừng: Để làm tốt việc này, chúng tôi phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là khởi nguồn của việc dân có đồng thuận hay không, dân có khiếu kiện hay không. Do đó, khi có chỉ tiêu giao xuống huyện thì huyện triển khai đến xã và đến thôn, bản. Khi xuống thôn, bản, chính quyền cơ sở sẽ tổ chức họp dân để bình xét. Chính vì việc đó mà lựa chọn đúng đối tượng, theo thứ tự ưu tiên đều do dân bản quyết định. Với cách thức triển khai một cách bài bản, công bằng như vậy cho nên từ nhiều năm nay tỉnh không xảy ra tình trạng kiện cáo hay mất lòng tin của Nhân dân trong công cuộc giảm nghèo.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 09 của tỉnh Điện Biên đã tổ chức chỉ đạo triển khai rất bài bản, quản lý chặt chẽ, hỗ trợ rất hiệu quả từ các nguồn ủng hộ cho chương trình. Cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của chính các hộ gia đình, cùng với các nguồn hỗ trợ, nhiều bà con Nhân dân đã làm được những căn nhà khang trang.
Quá trình triển khai thực hiện Đề án 09 có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ xã đến bản, tổ dân phố trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo tiến độ, chất lượng hiệu quả của việc hỗ trợ, đặc biệt là sự hưởng ứng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết. Một số kinh nghiệm từ địa phương như huyện Mường Ảng, huyện đã đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, có những giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng hỗ trợ ngày công, cùng với các nguồn lực khác để triển khai xây dựng làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo chất lượng, tiến độ đối với những hộ gia đình người già neo đơn, bà mẹ đơn thân, đồng thời linh hoạt về mẫu nhà, loại nhà ở cũng như cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Có 769/836 hộ đóng tiền đối ứng với số tiền lên tới trên 30 tỷ đồng, những hộ không có tiền đối ứng thì huy động sự vào cuộc của anh em, họ hàng và nhân dân trên địa bàn.
PV: Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên các cấp chính quyền cũng như MTTQ tiếp tục thực hiện chương trình này như thế nào? Ngoài tổ chức xây nhà Đại đoàn kết, tỉnh Điện Biên có chính sách dài hơi để giúp đỡ hộ nghèo một cách bền vững không thưa ông?
Ông Lò Văn Mừng: Đối với MTTQ Việt Nam, đây là công trình, phần việc hết sức ý nghĩa nhằm chào mừng Đại hội Mặt trận các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Để đảm tiến độ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung chỉ đạo quyết liệt, giao ban hằng tuần, triển khai nhiều giải pháp kêu gọi, các địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ. Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 09 của tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện, quyết tâm hoàn thành hỗ trợ, xây dựng, bàn giao 5.000 ngôi nhà trước ngày 3/2/2024 để giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có nhà mới đón Tết Nguyên đán 2024.
Nguồn lực làm nhà Đại đoàn kết là nguồn mà tỉnh huy động xã hội hóa. Để giảm nghèo bền vững, tỉnh có một chương trình về giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Trong đó, có các chương trình hỗ trợ về sinh kế, hỗ trợ giống, vốn, hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ... Thậm chí chúng tôi còn tạo điều kiện cho bà con đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài hay đi làm ở các khu công nghiệp ở các tỉnh thành, phố lớn trong cả nước. Đây là mô hình rất hay để người dân có thu nhập ổn định. Với những người trong độ tuổi lao động mà sức khỏe tốt thì đi làm những công việc như vậy rất phù hợp, thu nhập của họ sẽ cao hơn rất nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!