Năm 2018, huyện Ðiện Biên Ðông đặt chỉ tiêu đưa 15 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng đến hết năm 2018, toàn huyện chỉ có 11 người tham gia XKLĐ tại các thị trường: Ðài Loan, Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Ðiện Biên Ðông: Do quen lao động tự do, ngại đi xa nên những năm gần đây, số người dân trên địa bàn tham gia XKLĐ ngày một giảm.
Ông Điêu Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ-một trong những huyện 30a của tỉnh Điện Biên cho biết: Từ khi có Nghị quyết 30a, đồng bào các dân tộc huyện Nậm Pồ được hưởng nhiều ưu đãi khi đi XKLĐ nên nhận thức của đồng bào dân tộc đã dần thay đổi. Có thời điểm, toàn huyện có trên 50 người đi XKLĐ/năm, nhưng những năm gần đây, số người tham gia XKLĐ giảm đi rõ rệt. Năm 2018, chỉ có 12 người tham gia XKLĐ.
Tại huyện Tủa Chùa, tình hình XKLĐ cũng không có gì sáng sủa. Theo báo cáo của Phòng LĐTB&XH huyện Tủa Chùa: Trong năm 2018, số lao động đã được hỗ trợ đào tạo là 10 người. Số lao động được hỗ trợ thủ tục xuất cảnh và đã xuất cảnh là 6 người. Đánh giá về công tác XKLĐ của địa phương, ông Nguyễn Duy Hiệu, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Tủa Chùa thẳng thắn: “Mấy năm gần đây, công tác đưa người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài là không hiệu quả. Kinh phí đầu tư thực hiện lớn (trên 460 triệu đồng), nhưng chưa tạo được nền móng để có thể duy trì và phát triển số người được đi làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, tổng thu nhập của những người đi làm việc ở nước ngoài không cao và không hiệu quả hơn những người làm việc trong nước.
Một trong những nguyên nhân làm giảm số người đi XKLĐ là tình trạng người lao động trên địa bàn tỉnh Điện Biên có xu hướng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và Lào để làm thuê (lao động “chui”). Thống kê chưa đầy đủ, năm 2018, toàn tỉnh Điện Biên phát hiện trên 2.000 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Một số lao động “chui” cho biết: Công việc chủ yếu là lao động chân tay trong các trang trại, trồng chuối, nuôi cá, xây dựng… Tiền công có thể được trả cao nhưng cũng không ít trường hợp bị chủ quỵt tiền công hoặc báo cho công an vũ trang để trục xuất về nước, khiến nhiều trường hợp lao đao, thậm chí có trường hợp còn bị chủ sử dụng lao động đuổi đánh, sống chui lủi trong rừng.
Ðể giải “bài toán” XKLÐ, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động, Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh Điện Biên cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp XKLÐ đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, tư vấn về việc làm, XKLÐ tới tận người dân. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Ðặc biệt, cần rà soát lại chính sách để tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động tại các huyện nghèo. Mặt khác, các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên, nhất là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn người dân khu vực biên giới, hạn chế nạn lao động “chui”, vừa đảm bảo an ninh chính trị, vừa tạo nguồn cho lao động trong nước và lao động xuất khẩu.
MINH THU