Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điện Biên: Đồng hành với học sinh trong kỳ thi THPT

Song An - 11:16, 30/05/2023

Thời gian này, học sinh lớp 12 cả nước đang tập trung, dồn sức cho kỳ thi quan trọng tốt nghiệp THPT. Với những khó khăn mang tính đặc thù, hiện nay tỉnh Điện Biên đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với quyết tâm cao nhất đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh.

Cô và trò lớp 12, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên trong giờ ôn tập
Cô và trò lớp 12, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên trong giờ ôn tập

Nhà trường phát huy vai trò nòng cốt

Năm học này, Trường THPT huyện Nậm Pồ, có 4 lớp 12, với 176 học sinh. Những ngày này, không khí chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra sôi nổi khắp toàn trường. Thầy giáo Lương Đình Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết để có thể trang bị tốt nhất cho từng học sinh từ kiến thức, kỹ năng và tâm lý.

Do đặc thù là địa bàn vùng khó, đa phần đều thuộc diện khó khăn nên bên cạnh công tác ôn tập nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến việc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các em.

“Nhiều em do hoàn cảnh khó khăn mà tâm lý không ổn định hoặc có sự lo lắng, xáo trộn. Vì thế, trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần và hỗ trợ các em khi được yêu cầu. Hiện nay chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực để bố trí ổn định nơi ăn, chốn nghỉ, để các em yên tâm trong suốt thời gian thi”, thầy Tuấn chia sẻ.

Là năm đầu có thí sinh dự thi, Trường THCS - THPT Quyết Tiến, huyện Tủa Chùa hiện cũng đang nỗ lực để có sự chuẩn bị tốt nhất cho học sinh. Trường có 88 học sinh lớp 12 thì đa phần đều là con em đồng bào DTTS, hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh công tác ôn luyện, để chủ động các điều kiện chăm sóc tốt nhất cho sĩ tử, ngay từ đầu tháng 5, nhà trường đã kêu gọi, huy động sự ủng hộ, hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể. Từ kinh phí tổ chức hoạt động ăn, nghỉ, đến đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm.

“Việc huy động các nguồn hỗ trợ từ sớm sẽ giúp nhà trường chủ động cân đối, bố trí hỗ trợ, chăm sóc cho học sinh. Đồng thời cũng giúp các em, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt lo lắng, yên tâm tập trung ôn luyện”, thầy giáo Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quyết Tiến cho hay.

Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Điện Biên họp phân công nhiệm vụ.
Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Điện Biên họp phân công nhiệm vụ.

Còn tại Trường THCS - THPT Quài Tở, huyện Tuần Giáo, năm học này có 3 lớp 12, với 130 học sinh. Trong đó có 74 em được bố trí ăn, ở sinh hoạt nội trú. Số còn lại sinh sống cùng gia đình gần trường. Tuy nhiên, theo cô Mai Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì hơn 50% phụ huynh đi làm ăn xa nên thiếu sự quản lý, đồng hành cùng con.

“Đa phần các em đều ở cùng ông bà, người thân hoặc thuê trọ ngoài trường. Công tác quản lý học sinh trong giai đoạn này hầu như giao khoán hết cho thầy cô. Bởi vậy, nhà trường chỉ đạo phát huy tối đa vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Hết tháng 5 là hết thúc chương trình năm học, nhưng riêng thầy cô làm chủ nhiệm phải đồng hành cùng học sinh lớp mình cho đến khi thi xong. Vừa quản lý việc học tập, vừa quan tâm, chăm sóc cho các em trong sinh hoạt, đời sống cũng như ổn định tâm lý”, cô Hương cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đoà tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên: Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được ngành chủ động xây dựng bài bản ngay từ khâu thông tin, truyền thông cho đến xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học, ôn tập…

“Tháng 5, và đầu tháng 6 tới là thời điểm vàng để thầy trò cùng tăng tốc ôn luyện. Chủ trương của ngành giáo dục là không tạo áp lực, mà mang đến cho các em sự tự tin. Bằng việc hệ thống lại kiến thức đã học, thuần thục ứng biến với các dạng đề trong chương trình, các dạng đề nâng cao. Bên cạnh đó là động viên, tháo gỡ mọi khó khăn để học sinh ổn định tâm lý, bình tĩnh, tránh mệt mỏi, hoang mang về tâm lý để yên tâm bước vào kỳ thi quan trọng”, ông Đoạt cho hay.

Xã hội vào cuộc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, huyện Nậm Pồ có gần 400 học sinh, thuộc 4 trường THPT trên địa bàn tham gia. Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hàng năm, địa phương đều phối hợp với các nhà trường để hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh tại kỳ thi quan trọng này, thông qua hoạt động Tiếp sức mùa thi.

“Chúng tôi sẽ cố gắng tối đã để có sự hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh trong kỳ thi năm nay. Huyện đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xây dựng phương án cụ thể, trong đó, Hội Chữ thập đỏ chủ trì. Tùy thuộc vào nguồn lực huy động được để có sự hỗ trợ phù hợp. Không chỉ đối tượng khó khăn mà toàn bộ học sinh các trường đều được đảm bảo điều kiện ăn, nghỉ, di chuyển, để hoàn toàn yên tâm tập trung cho kỳ thi”, ông Đại chia sẻ.

Do đặc thù miền núi, giao thông cách trở lại chịu ảnh hưởng của thiên tai vào mùa mưa, nên các phương án, kịch bản hỗ trợ thí sinh di chuyển từ nhà đến điểm thi và ngược lại đã được nhiều địa phương chủ động. Đơn cử như việc đưa đón miễn phí thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhắc nhở các em đến điểm thi sớm, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết…

Theo ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa: Ngoài các điểm đã có kinh nghiệm, năm nay địa phương phải xây dựng thêm kịch bản cho điểm thi mới tại xã Xá Nhè. Để sẵn sàng ứng phó với tác động tiêu cực của thời tiết, huyện chỉ đạo các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ thường trực bảo đảm giao thông được giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng. Chính quyền các xã sẽ phối hợp để sẵn sàng phương án, nhân - vật lực tại chỗ khắc phục khi có sự cố xảy ra.

“Chúng tôi yêu cầu lực lượng chuyên môn rà soát thật kỹ, xác định rõ các điểm xung yếu để chuẩn bị sẵn sàng phương tiện ứng cứu từ trước ngày thi. Ngoài ra, để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho thí sinh, địa phương đã vận động phụ huynh để con em ở tại trường cho đến khi thi xong. Trong trường hợp cần thiết, có thể huyện sẽ bố trí xe đưa, đón”, ông Hùng cho biết thêm.

Còn theo ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tỉnh Điện Biên, địa phương quyết tâm huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Với quan điểm là không để học sinh nào vì gặp vướng mắc, khó khăn mà bỏ thi.

“Chúng tôi yêu cầu từng ngành, địa phương, với vai trò, chức năng được giao đều phải vào cuộc. Dựa vào tình hình thực tế để cân đối phương án hỗ trợ cho thí sinh. Ngoài hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại các điểm thi, thì các phương án phối hợp khắc phục sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe… cũng đều phải tính toán, chủ động”, ông Bằng cho hay.

Kỳ thi năm nay, tỉnh Điện Biên dự kiến có 6.712 thí sinh tham gia. Trong đó, có hơn 5.910 thí sinh thuộc các trường THPT, 202 thí sinh thuộc các Trung tâm GDNN-GDTX và khoảng 600 thí sinh tự do. Các thí sinh sẽ tham gia dự thi tại 24 địa điểm, bao gồm 12 điểm liên trường, 12 điểm độc lập.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.