Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/1: Thế giới gần 100 triệu ca bệnh; Các nước mạnh tay kiểm soát biến thể mới

PV - 11:03, 25/01/2021

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 423.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.900 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần chạm mốc 100 triệu ca, trong đó trên 2,13 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Amazonas, Brazil, ngày 19/1. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Amazonas, Brazil, ngày 19/1. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, ba quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới là Mỹ (trên 119.000 ca), Anh (30.004 ca) và Brazil (28.323 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.611 ca), Mexico (1.470 ca) và Anh (610 ca).

Như vậy, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tới nay, quốc gia này có trên 25,6 triệu ca mắc và trên 429.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 10,6 triệu ca mắc và trên 153.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới với trên 8,8 triệu ca mắc và trên 217.000 ca tử vong.

Với đà tăng này, không lâu nữa, thế giới sẽ chạm mốc 100 triệu ca mắc.

Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh từ Nam Phi

Ngày 24/1, một quan chức y tế công cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết tân Tổng thống Joe Biden sẽ áp đặt lệnh cấm đối với hầu hết các công dân không phải là công dân Mỹ nhập cảnh từ Nam Phi trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2. Lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/1.

Tiến sĩ Anne Schuchat, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thông báo CDC đang thực hiện một loạt biện pháp đồng bộ nhằm bảo vệ người dân Mỹ cũng như để giảm thiểu nguy cơ biến thể lây lan và trầm trọng thêm đại dịch hiện nay ở quốc gia này.

Hiện một số quan chức y tế lo ngại các loại vaccine hiện nay có thể không hiệu quả với biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi cũng như làm tăng khả năng tái nhiễm bệnh. Biến thể SARS-COV-2 ở Nam Phi, còn được gọi là 501Y.V2, có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% và đã được ghi nhận ở ít nhất 20 quốc gia. Dù biến thể này chưa được phát hiện ở Mỹ, song biến thể SARS-CoV-2 ở Anh đã được phát hiện ở 20 bang của Mỹ.

Theo kế hoạch, trong ngày 25/1, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Brazil, Anh và 26 quốc gia thuộc khối Schengen mà chính quyền tiền nhiệm dỡ bỏ hôm 18/1. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã thể hiện cách tiếp cận tích cực nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, thông qua ký một loạt sắc lệnh hành pháp.

Dự kiến Giám đốc CDC Rochelle Walensky cũng sẽ ký một lệnh riêng trong ngày 25/1 nhằm yêu cầu mọi hành khách từ 2 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang trên máy bay, phà, tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt, taxi và các phương tiện công cộng khác. Khẩu trang chỉ được bỏ ra trong thời gian ngắn khi ăn uống.

Cùng với đó, từ 26/1, mọi quy định mới của CDC sẽ có hiệu lực, tất cả hành khách hàng không quốc tế từ 2 tuổi trở lên khi vào Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. CDC không xem xét miễn trừ tạm thời cho các hãng hàng không để miễn yêu cầu đối với hành khách từ các nước có năng lực xét nghiệm hạn chế. Tuy nhiên, một số trường hợp hành khách sẽ được xem xét miễn trừ nhân đạo.

Ngoài ra, lệnh trên cũng yêu cầu du khách phải tự cách ly trong vòng 7 ngày sau khi trở lại Mỹ và nhắc xét nghiệm COVID-19 mới trong vòng 3-5 ngày sau khi trở về Mỹ.

Hiện các quan chức CDC thảo luận về khả năng áp dụng bổ sung các yêu cầu xét nghiệm với các chuyến bay trong nước hoặc yêu cầu xét nghiệm khi trở về từ chuyến du lịch quốc tế.

Anh theo dõi chặt các ca nhiễm biến thể mới từ Nam Phi và Brazil

Ngày 24/1, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết Anh đã phát hiện tổng cộng 77 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi và 9 ca nhiễm biến thể mới từ Brazil.

Phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Hancock nêu rõ tất cả các ca nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi đều là ca nhập cảnh từ quốc gia nằm ở mũi phía Nam lục địa châu Phi này. Giới chức y tế Anh đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp nhiễm biến thể mới ở cả Nam Phi và Brazil nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể.

Trước khi các biến thể virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi và Brazil xuất hiện, Anh vốn đang phải căng mình đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 liên quan đến một biến thể bùng phát lần đầu ở vùng England. Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo biến thể phát hiện ở nước này có thể có liên quan tới tỷ lệ tử vong cao hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 97.939 ca trong số 3,64 triệu ca mắc, mức cao thứ 5 trên thế giới.

Bồ Đào Nha có số ca tử vong mới theo ngày cao nhất

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Bồ Đào Nha, số liệu chính thức cho thấy trong ngày 24/1, nước này đã ghi nhận thêm 275 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên trên 10.000 ca. Đây là số ca tử vong cao nhất theo ngày tại nước này kể từ khi dịch bùng phát.

Cũng trong 24 giờ qua, Bồ Đào Nha đã có thêm 11.721 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên trên 636.000 ca.

Số người phải điều trị tích cực tại Pháp giảm

Tại Pháp, số ca mắc COVID-19 phải điều trị tích cực đã giảm 16 người xuống 2.896 người trong ngày 23/1. Đây là đợt giảm đầu tiên trong 2 tuần sau một giai đoạn tăng mạnh.

Số người phải điều trị tích cực là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực ứng phó với đại dịch của hệ thống y tế. Chính phủ Pháp muốn con số này ổn định nằm trong khoảng 2.500-3.000 ca trước khi cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế, song chỉ số này đã không ngừng tăng kể từ đầu tháng 1.

Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm 18.436 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3,05 triệu ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 172 ca lên lên gần 73.049 ca.

Đức siết chặt kiểm soát biên giới

Sáng 24/1, truyền thông Đức đưa tin, cảnh sát liên bang Đức đã bắt đầu tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh Chính phủ liên bang vừa đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao đối với đại dịch COVID-19.

Việc siết chặt kiểm soát biên giới được thực hiện nhằm ngăn chặn những người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhập cảnh Đức, đặc biệt là những trường hợp nhiễm biến thể mới của virus này. Bộ Nội vụ Đức đã chỉ thị "kiểm soát chặt" mọi trường hợp nhập cảnh từ các nước/khu vực có chỉ số lây nhiễm cao theo danh sách của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI).

Theo kế hoạch này, cảnh sát liên bang đã phải huy động thêm nhân lực để tăng cường kiểm soát mọi hành khách ở các sân bay lớn như Frankfurt và München. Để ngăn ngừa các trường hợp nhiễm COVID-19 nhập cảnh Đức, Chính phủ liên bang đã đưa tổng cộng 32 nước vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm cao, cụ thể là các nước có chỉ số lây nhiễm mới trong 7 ngày vượt quá 200 ca.

Theo đó, tất cả trường hợp từ những nước như vậy cần phải làm xét nghiệm sớm nhất 48 giờ trước khi nhập cảnh Đức và chỉ các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính mới được nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh cũng cần thực hiện quy định cách ly đủ 10 ngày. Các nước châu Âu nằm trong danh sách có nguy cơ cao gồm có Estonia, Latvia, Litva, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và CH Séc.

Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ kiểm soát chặt mọi trường hợp đến từ các nước phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 là Nam Phi, Brazil, Ireland và Anh. Ngoài việc phải làm xét nghiệm (có kết quả âm tính) trước khi vào Đức, các trường hợp liên quan cũng cần phải thực hiện khai báo trực tuyến tình trạng y tế bản thân nhằm giúp kiểm soát việc cách ly sau này. Theo kế hoạch, riêng trong ngày 24/1 sẽ có ít nhất 17 chuyến bay từ các nước/khu vực nguy cơ cao hạ cánh ở Đức.

Trong khi đó tại thủ đô Berlin, bệnh viện Humboldt thuộc quận Reinickendorf ngày 23/1 đã phải cách ly toàn bộ sau khi phát hiện 20 ca, gồm 14 bệnh nhân và 6 nhân viên y tế, nhiễm biến thể phát hiện ở Anh. Toàn bộ nhân viên và bệnh nhân phải tiến hành xét nghiệm sàng lọc, trong khi bệnh viện phải đóng cửa và tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới.

Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm 10.051 ca nhiễm mới và 241 ca tử vong. Hiện số ca còn mắc COVID-19 ở Đức là trên 270.000 người.

New Zealand điều tra nguy cơ có ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau nhiều tháng  

Tại New Zealand, giới chức y tế đang điều tra khả năng có ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong nhiều tháng. Trường hợp này là một phụ nữ 56 tuổi, trở về New Zealand ngày 30/12/2020. Bà đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, sau 2 tuần cách ly bắt buộc tại biên giới, nơi bà trước đó đã 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính.

Giới chức y tế New Zealand đang điều tra theo hướng đây là ca dương tính và có khả năng nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ người phụ nữ trên đã lây nhiễm từ trước hay mới mắc bệnh. Tuy nhiên, người này đã có kết quả dương tính sau khi đã từ khu cách ly trở về nhà, do đó nhà chức trách coi đây nhiều khả năng là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Trung Quốc có 65 ca lây nhiễm trong nước

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) thông báo trong ngày 23/1, Trung Quốc đã ghi nhận 80 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 65 ca lây nhiễm trong nước và 15 ca "nhập khẩu".

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 20/1. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 20/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 29 ca tại tỉnh Hắc Long Giang, 19 ca tại Hà Bắc, 12 ca tại Cát Lâm, 3 ca tại Thượng Hải và 2 ca tại Bắc Kinh.

Tính đến ngày 23/1, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 88.991 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong do COVID-19.

Hàn Quốc ghi nhận ca mắc đầu tiên ở vật nuôi

Ngày 24/1, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên là vật nuôi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Phát biểu tại một cuộc họp về tình hình dịch COVID-19, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho hay: "Trong quá trình theo dõi gần đây liên quan đến một đợt bùng phát COVID-19, các quan chức y tế đã phát hiện trường hợp thú nuôi đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2". Ông kêu gọi giới chức y tế xem xét khả năng lây truyền giữa con người và động vật và chia sẻ một cách minh bạch những phát hiện về người sống với vật nuôi hoặc thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi. Ông cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp nước này tham khảo ý kiến của các cơ quan y tế để chuẩn bị các hướng dẫn phòng tránh dịch cho chủ sở hữu vật nuôi.

Theo Yonhap, vật nuôi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus là một con mèo con ở một cơ sở tôn giáo tại thành phố Jinju, tỉnh Nam Gyeongsang, Đông Nam Hàn Quốc.

Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đã giảm xuống dưới 400 ca trong ngày 24/1 sau khi tăng nhẹ trước đó một ngày. Cụ thể, Hàn Quốc phát hiện thêm 392 ca mắc, trong đó có 369 ca lây nhiễm nội địa, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 75.084 ca. Số ca mắc mới ghi nhận trong ngày 23/1 là 431 ca. Trong những tuần qua, hơn 20% số ca mắc mới ở Hàn Quốc không rõ nguồn lây nhiễm. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc hiện là 1.349 ca, tăng 12 ca trong ngày 24/1.

Ấn Độ mở rộng phạm vi tiêm vaccine 

Chính phủ Ấn Độ cho biết từ ngày 25/1 sẽ mở rộng phạm vi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất, mang tên Covaxin, theo đó đưa thêm 7 bang vào danh sách triển khai tiêm chủng.

Như vậy, 19 bang ở Ấn Độ sẽ thực hiện chương trình tiêm chủng với vaccine Covaxin do công ty dược phẩm Bharat Biotech phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) nghiên cứu và bào chế. Trong số đó có bang Kerala ở miền Nam, một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất ở Ấn Độ.

Trước đó, trong tháng này, Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với hai loại vaccine đầu tiên sản xuất trong nước là Covaxin và Covishield. Vaccine Covishield của Oxford/AstraZeneca (Anh) và do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất.

Ngày 16/1, Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 quy mô lớn nhất thế giới bằng hai loại vaccine kể trên. Nước này ưu tiên các mũi tiêm cho 30 triệu nhân viên y tế và những nhân viên ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên vệ sinh và an ninh, sau đó là 270 triệu người trên 50 tuổi và những người có nguy cơ nhiễm cao do các bệnh lý nền từ trước.

Tính đến thời điểm này, gần 1,6 triệu người ở Ấn Độ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo các nguồn thạo tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các thủ hiến bang sẽ tiêm vaccine COVID-19 trong giai đoạn hai của chiến dịch tiêm chủng, dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 3 hoặc tháng 4 tới.

Pakistan cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga 

Ngày 24/1, một quan chức chính phủ Pakistan cho biết nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga.

Quan chức trên nêu rõ, tại cuộc họp do Ban đăng ký Cục Quản lý dược phẩm Pakistan (Drap) tổ chức, thêm một loại vaccine đã được phê duyệt để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp, đó là vaccine được phát triển với sự hỗ trợ của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga. Nhà nhập khẩu và phân phối vaccine sẽ là công ty dược phẩm địa phương AGP.

Sputnik V là vaccine thứ ba được phê duyệt ở Pakistan sau vaccine của công ty Anh-Thụy Điển AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển cũng như công ty Trung Quốc Sinopharm. Trước đó, ngày 22/1, có thông tin cho biết Pakistan đã nhận được yêu cầu đăng ký vaccine Sputnik V ở nước này.

Israel đóng cửa sân bay quốc tế Ben Gurion

Ngày 24/1, Chính phủ Israel đã thông qua quyết định đóng cửa sân bay quốc tế Ben Gurion từ tối 25/1, cho tới hết tháng 1/2021. Động thái này là nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và nguy cơ xuất hiện biến thể ở Israel kháng các loại vaccine hiện nay.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 24/1 cho hay nước này sẽ "đóng chặt cửa" trong khoảng 1 tuần, do lo ngại về sự xâm nhập của các biến thể mới của SARS-CoV-2. Trước đó, phát biểu tại cuộc họp Nội các hàng tuần, ông Netanyahu thúc giục các bộ trưởng thông qua đề xuất đóng cửa sân bay quốc tế Ben Gurion và hủy tất cả các chuyến bay quốc tế ra và vào Israel. Ông Netanyahu nhấn mạnh các biến thể mới là "mối đe dọa khẩn cấp" cần có các biện pháp ứng phó quyết liệt.

Theo Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein, "một trong các biến thể mới đã xuất hiện tại Israel và rõ ràng là nguyên nhân dẫn tới số ca lây nhiễm mới ở mức cao".

Israel đang áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, từ ngày 19/12/2020 và dự kiến sẽ nới lỏng từ ngày 31/1/2021. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Israel đã có hơn 595.000 ca lây nhiễm, trong đó có hơn 4.360 trường hợp tử vong.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.