Xác định việc ngăn chặn ngay từ tuyến biên giới là mấu chốt để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nội địa, tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều biện pháp tuần tra kiểm soát tại các cửa khẩu. Tất cả hàng hóa đi qua đều được kiểm tra chặt chẽ, không để các sản phẩm có nguy cơ mang mầm bệnh vào trong nước. Tăng cường tuần tra tại các lối mòn, lối mở trên biên giới, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện nghiêm các qui định của công tác phòng chống dịch.
Trung tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: Tại khu vực biên giới xã Bản Lầu, hơn 01 tháng nay, công tác ngăn chặn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu triển khai hết sức nghiêm túc.
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cùng chính quyền địa phương tuyên truyền cho 7 thôn biên giới không mua bán thịt lợn, nhập lợn giống từ Trung Quốc về Việt Nam. Tổ chức 4 tổ công tác trực 24/24 giờ tại các đường mòn, lối mở qua biên giới, cương quyết không cho dịch bệnh vào địa bàn”, Trung tá Nghĩa nhấn mạnh.
Tỉnh Lào Cai hiện có gần 200km đường biên giới giáp Trung Quốc, với ba cửa khẩu và nhiều lối mở, lối mòn biên giới trên đất liền, ở cách vùng dịch tả lợn châu Phi mới bùng phát tại TP. Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khoảng hơn 700km. Do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào nội địa rất cao. Trên toàn tuyến biên giới, công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn cũng được các lực lượng chức năng như, Chi cục Kiểm dịch vùng 8 Lào Cai, lực lượng Hải Quan, Biên phòng và Quản lý thị trường siết chặt. Những ngày qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, tiêu hủy gần 90 con lợn nhập lậu; thu giữ, tiêu hủy trên 4 tấn thịt, nội tạng động vật, gia cầm đông lạnh, đồng thời xét nghiệm. Kết quả, 06/06 mẫu âm tính với vi rút dịch tả châu Phi.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: Bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, tỉnh Lào Cai cũng đã tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ trên đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn nghi mắc bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc trong đó có lợn.
Riêng đối với huyện Bảo Thắng, là địa phương có đàn lợn nuôi lớn nhất tỉnh, ngay trong tháng 10, ngành Nông nghiệp phối hợp với UBND huyện đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các xã, thị trấn để triển khai công tác phòng, chống dịch. Nhiều giải pháp được địa phương triển khai đồng bộ như: Chuẩn bị vật tư, thuốc để phun khử trùng chuồng nuôi, các khu vực chợ tập trung... xây dựng các phương án ứng phó khi có vật nuôi bị nhiễm bệnh.
Các cán bộ chuyên môn, thú y viên đến từng cụm dân cư, các hộ chăn nuôi quy mô lớn để tuyên truyền về sự nguy hiểm, tác hại của dịch tả lợn, đồng thời triển khai tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn đợt 2 năm 2018 và hướng dẫn người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, cách thức phun tiêu độc, khử trùng quanh khu vực chuồng nuôi…\
''Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu dịch tả lợn châu Phi nên việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất. Trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Trường hợp bắt giữ lợn và sản phẩm thịt lợn nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc kiên quyết tiêu hủy hoàn toàn”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nêu rõ.
TRỌNG BẢO