Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 6/11 cho thấy, hiện toàn thế giới có 225.809.852 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.454.667 ca bệnh đang điều trị thì có 18.378.517 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 76.150 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 65.489.272 trường hợp, trong đó có 1.316.891 ca tử vong và 58.707.517 ca được điều trị khỏi. Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu “nóng lên” ở châu Âu khi nhiều nước ghi nhận tình trạng tăng vọt số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, lục địa già có thêm 288.409 ca nhiễm mới COVID-19, đứng đầu thế giới.
Ngày 4/11, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bày tỏ đặc biệt lo ngại về mức độ lây truyền dịch bệnh ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu. Các ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây, tăng đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Quan chức này cho biết thêm một mô hình dự báo đáng tin cậy chỉ ra rằng đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì COVID-19 nếu tình hình hiện nay không được cải thiện.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 6/11, hiện 49,9% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 7,15 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 27,19 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, hiện ở mức 3,9%.
Số liệu thu thập từ các cơ quan y tế Đức tối 4/11 cho biết, chỉ trong một ngày qua, nước này đã ghi nhận có trên 35.000 ca mắc COVID-19 mới và là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ đầu dịch.
Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 mới cũng đang tăng mạnh ở Italy, với số bệnh nhân phải cấp cứu đã tăng 12,9% trong tuần từ ngày 27/10-2/11, đi ngược lại xu hướng giảm đều đặn từ cuối tháng 8/2021. Số ca mắc mới cũng tăng 16,6% và số bệnh nhân phải nhập viện tăng 14,9%. Hiện các cơ quan y tế Italy hiện đang khuyến nghị việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao và những người trên 60 tuổi cũng như nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, số đối tượng được tiêm mũi này cho đến nay vẫn chưa được mở rộng.
Hiện Bắc Mỹ có 56.646.692 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.155.394 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 47.187.256 ca nhiễm và 772.315 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 6/11, Nam Mỹ có 38.486.328 ca nhiễm COVID-19, với 1.171.839 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.849.137 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Dù số ca mắc mới theo ngày đã có dấu hiệu thuyên giảm, song châu Á vẫn ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức cao, với 79.777.108 ca. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 102.712 ca mắc mới COVID-19. Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, các nước tại châu Á đang soạn thảo lộ trình chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19".
Trong một biện pháp “mạnh tay” để đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, Cơ quan Dịch vụ Công (PSD) của Singapore, ngày 4/11 cảnh báo các công chức của nước này nếu không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện, có thể sẽ bị cho nghỉ không lương hoặc sẽ không được gia hạn khi hợp đồng lao động kết thúc. Hiện ngành dịch vụ công của Singapore có khoảng 153.000 công chức, làm việc tại 16 bộ và hơn 50 cơ quan, ban ngành khác nhau. Khoảng 98% số này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. PSD đang khuyến khích những người còn lại sớm đi tiêm để bảo vệ chính họ và những người xung quanh.
Tính đến sáng 6/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.591.019 trường hợp, trong đó có 219.493 ca tử vong và 7.933.718 ca bình phục.
Hiện châu Đại Dương có 317.851 ca nhiễm COVID-19, với 3.786 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 175.813 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.209 ca./.