Ngôi nhất bảng là điều được dự báo cho thầy trò HLV Park Hang Seo. Song, bóng đá trẻ luôn có sự chênh lệch nhất định giữa các lứa và ở từng thời điểm. Lúc này, thế hệ 1999-2000 của bóng đá Việt Nam không được đánh giá quá cao so với hai lứa trước đây.
Sự khác biệt nằm ở sự trải nghiệm, phong độ, khả năng thi đấu. Tất nhiên, lứa hiện tại có sự thiệt thòi khi chịu tác động lớn từ dịch COVID-19 nhưng đó không hẳn là yếu tố khiến sự tụt dốc của công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam. Mà ở đó còn là tính kết nối theo kiểu gối đầu ở các trung tâm đào tạo trẻ trên cả nước.
Và sự thiếu hụt đó còn nằm ở nhân tố đủ sức lĩnh xướng cả một tập thể. Thực tế, nhân vật được xem là thủ lĩnh cả chuyên môn lẫn tinh thần của U23 Việt Nam là cái tên giàu sức nặng. Đó là Đoàn Văn Hậu. Tuy vậy, hậu vệ sinh năm 1999 đang gặp vấn đề về chấn thương và phải rời xa sân cỏ. Với một cầu thủ đã khẳng định được tên tuổi, giá trị của bản thân, U23 là tấm áo quá chật với Đoàn Văn Hậu.
Trong số các gương mặt còn lại, nếu đặt lên bàn cân, không hề có sự nổi trội. Nguyễn Văn Toản thi đấu ở vị trí thủ môn, vốn giàu kinh nghiệm chinh chiến song anh lại được đánh giá không có quá nhiều tố chất để làm thủ lĩnh.
Ở hai trận đấu giao hữu với U23 Tajikistan và Kyrgyzstan, hai cầu thủ đeo băng đội trưởng đầu trận là Đặng Văn Tới và Lý Công Hoàng Anh. Họ đều chưa tạo được niềm tin, ít nhất ở khía cạnh chuyên môn.
Thậm chí, Đặng Văn Tới ít được thi đấu trong màu áo CLB Hà Nội. Lý Công Hoàng Anh vốn chỉ là lính mới ở các đội tuyển Việt Nam, chưa thể hiện quá nhiều khi được trao cơ hội ra sân.
Một thủ lĩnh đích thực cần khẳng định, họ có sự vượt trội về yếu tố chuyên môn để tạo tiếng nói trong phòng thay đồ. Trước đây, Xuân Trường, Quang Hải hay Tiến Linh đều là nhân tố nổi bật của lứa U23 Việt Nam.
Việc họ được bầu chọn làm đội trưởng không có gì phải bàn cãi. Còn hiện tại, có quá nhiều điều khiến người hâm mộ lo lắng. Và rồi, ai là thủ lĩnh ở U23 Việt Nam vẫn là dấu hỏi lớn.