Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đi qua sóng gió

Giang Lam - 10:27, 13/05/2020

Ai cũng bảo chủ nhân của hơn 3.000 gốc cam, gần 40ha rừng keo mỡ màng kia là một người biết nhìn xa trông rộng. Thế mà anh chỉ nói: “Cái lận đận, vất vả nhiều lúc làm cho con người kiên cường hơn. Cơ ngơi ấy là thành quả của những ngày tháng nai lưng làm việc, thêm cả một chút may mắn”. Anh là Vũ Văn Nam, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Anh Vũ Văn Nam (bên phải), thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) giới thiệu cam cuối vụ cho thương lái thu mua
Anh Vũ Văn Nam (bên phải), thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) giới thiệu cam cuối vụ cho thương lái thu mua

Gian nan... đến trường

Chúng tôi có mặt tại nhà Vũ Văn Nam vào đúng hôm trời đổ mưa phùn. Anh bảo: “Cả đêm không ngủ được, cứ mưa to gió lớn là lo ngay ngáy, cam cuối vụ rồi, thế nên chỉ mong trời nhanh sáng để đi thôi”. Nói xong, Nam nở nụ cười hiền lành, nhưng đằng sau cái dáng vẻ nhẹ nhàng, thư sinh ấy chất chứa cả một ý chí, nghị lực và khát khao làm giàu.

Năm 1987, Nam cắp sách vào lớp 1. Đường từ nhà đến Trường Tiểu học Yên Hương (Hàm Yên) lắm khe suối, dốc núi, rừng cây rậm rạp, vậy mà ngày nào cậu bé 7 tuổi với đôi chân gầy guộc cũng đến lớp đúng giờ.

Học xong tiểu học, tai họa ấp đến gia đình khi bố anh đầu tư mua vườn rừng và bị thua lỗ. Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất, Nam đành phải nghỉ học để cùng bố mẹ cáng đáng công việc gia đình.

Sau 4 năm trời làm quen với con dao, cái cuốc, chàng trai của bản Ngòi Sen giờ đã lớn, sức vóc dẻo dai, gánh vác cho bố mẹ đủ mọi việc. Thế nhưng cái khao khát được học vẫn chưa bao giờ thôi nhen nhóm trong anh. Tin vui đến khi Trường Tiểu học, THCS Yên Lâm được xây mới chỉ cách nhà gần 6km. 19 tuổi, anh Nam chẳng ngần ngại khi xin bố mẹ được đi học cùng các em kém mình đến 6, 7 tuổi.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hành, Nam thi đỗ vào lớp 10 với số điểm cao nhất nhì huyện. Thế nhưng không có trường PTTH nào nhận anh vào học vì lý do đã quá tuổi. Hơn 20 tuổi, chàng thanh niên kia chỉ biết ôm lấy mẹ rồi khóc như một đứa trẻ... Không dễ dàng buông xuôi, trời mưa tầm tã, Nam một mình đạp xe hơn 50 cây số xuống tận Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang để xin được tiếp tục đi học. Đơn được Giám đốc Sở trực tiếp ký và đề nghị Trường THPT Hàm Yên giải quyết.

Vậy là, anh lại được đến trường. 3 năm học, anh ở trọ, mỗi tháng chỉ được bố mẹ cho 28 nghìn đồng. Tranh thủ đi làm thêm, đi nhổ cỏ, dọn dẹp nhà cửa... vất vả là thế nhưng Nam vẫn là một lớp trưởng gương mẫu, chịu thương chịu khó. “Nhóc 24 tuổi”, “anh cả”, “Nam già” là những tên gọi thân thương trong những trang lưu bút của các bạn lớp 12C14 dành cho anh.

Mong muốn được thoát khỏi vùng đất khó cứ lớn dần, anh đăng ký thi vào Khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Thế nhưng cận kề ngày thi, bố Nam ốm nặng. Cơn bạo bệnh đi qua càn quét tất cả những gì còn xót lại, căn nhà vốn đã rách nát nay lại càng tiêu điều, xác xơ.

Không vào được Đại học, anh xác định làm giàu trên mảnh đất quê hương. Cơ hội đến với anh khi có người muốn bán một vườn rộng 2ha và đã có 400 gốc cam trồng sẵn với giá là 68 triệu đồng. Anh vay mượn mua lại và từ đó, hằng ngày quần quật trên vườn rừng, bàn tay đầy chai sạn với cái cuốc, con dao.

Không có con đường cùng

Anh Nam khẳng định với tôi như thế. Đối với anh con đường cùng chỉ đến khi con người đầu hàng số phận. Sau những thất bại liên tiếp, anh nhận ra rằng, làm kinh tế phải có quy trình, tính toán. Mẫu mã đẹp mắt thì cam sẽ có giá, thương lái không o ép nhiều. Ý nghĩ ấy giúp anh tìm được hướng đi mới. Anh bắt đầu tham gia lớp tập huấn trồng trọt, mày mò sách báo, Internet… Nam quần quật cả ngày trên vườn đồi. Dường như bao nhiêu sức lực anh ném hết vào “trận đánh’’ này.

Trải qua nhiều thử nghiệm, anh tìm ra được công thức trộn các loại phân vô cơ, hữu cơ phù hợp thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, anh chế tạo vòi xịt nước công suất lớn để tẩy rửa nấm trên thân cây. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bao nhiêu kinh nghiệm, bí quyết riêng được anh đúc rút. Nhờ vậy mà vườn cam ngày một xanh tốt, ra hoa đậu quả. Cuối năm thu hoạch, cam được giá, 6.000 đồng/kg. Vụ đầu tiên thắng lợi thu hoạch được 6 tấn quả, tính ra được gần 40 triệu đồng. Có chút vốn dắt lưng, anh đầu tư trồng thêm 800 gốc cam. Thấm thoắt khu đồi rộng gần 2ha đã được phủ lên màu xanh của cây cam.

Qua một hành trình dài lao động cần mẫn, hiện nay, gia đình anh có 3.000 gốc cam, 300 gốc bưởi. Anh mua thêm được gần 40ha rừng tạp, hai vợ chồng nai lưng trên những khu đồi, phát quang lau sậy rồi hạ thổ hàng trăm gốc keo. Những cây keo đâm chồi nảy lộc, vươn mình trước nắng gió, sức sống mãnh liệt và bền bỉ như chính chủ nhân của nó vậy.

Mô hình vườn rừng đem lại thu nhập 800 - 900 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 200.000 đồng/ngày. Còn khi vào thời vụ, vợ chồng anh phải thuê 60 - 70 người/ngày mới bảo đảm tiến độ. Ghi nhận những nỗ lực của anh, nhiều năm liền anh được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang khen thưởng là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Mô hình của anh là mô hình điểm được nhiều hộ nông dân trong và ngoài tỉnh đến học hỏi.

Qua một hành trình dài lao động cần mẫn, hiện nay, gia đình anh có 3.000 gốc cam, 300 gốc bưởi, gần 40ha rừng tạp. Nhiều năm liền anh được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang khen thưởng là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Mô hình của anh là mô hình điểm được nhiều hộ nông dân trong và ngoài tỉnh đến học hỏi.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.