Chúng tôi đến xã Phiêng Khoài của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vào những ngày mùa Xuân buốt giá. Đây là xã giáp biên giới nên bản làng heo hút càng lạnh giá, nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 2 độ C. Chỗ nào cũng thấy đồng bào đốt lửa sưởi ấm nếu phải ở ngoài trời. Phụ nữ Xinh Mun mặc váy và chít khăn piêu. Nhìn họ, ai cũng tưởng là người dân tộc Thái, vì họ mặc bộ trang phục truyền thống của người Thái. Một cô giáo mầm non nói với tôi, người Xinh Mun ở đây nói tiếng dân tộc Thái, mặc trang phục Thái, ăn cơm nếp. Bản thân cô là người Kinh đến đây cắm bản dạy trẻ, cô không thể phân biệt được phụ nữ các dân tộc Lào, Thái, Xinh Mun vì họ quá giống nhau.
Điều đáng quý là ở vùng biên cương này, bản nào cũng có riêng một nhà văn hóa và có bộ chiêng đồng riêng. Những bộ chiêng này được sử dụng thường xuyên mỗi khi có lễ hội, sự kiện chung của bản. Nhất là vào mùa Xuân, thời điểm ra Tết, đồng bào thường xuyên mở hội. Việc học đánh chiêng cũng không khó nên hầu như lớp thanh niên đều biết đánh chiêng và mở vòng xòe. Điệu múa xòe có sức kết nối cộng đồng rất lớn, xóa bỏ sự cô đơn, lạnh giá của con người giữa núi rừng. Không chỉ người Thái, người Xinh Mun mà rất nhiều dân tộc khác cũng thông thạo điệu múa xòe và thích xòe trong mỗi dịp lễ hội.
Vậy bản sắc văn hóa của dân tộc Xinh Mun còn lại gì để phát huy, gìn giữ, trong khi vùng biên cương này vẫn còn nghèo và độ che phủ cây trồng, vật nuôi để làm giàu của họ chưa phong phú và có động lực bằng những vùng khác?
Bà Lò Khiêu, một phụ nữ Xinh Mun lớn tuổi trò chuyện với chúng tôi bên đống lửa ấm. Bà nói, người Xinh Mun bây giờ rất ít người biết thêu và làm quần áo truyền thống của dân tộc mình. Người nào muốn có quần áo, khăn piêu mới thì mua của người Thái cho tiện. Lớp trẻ bây giờ còn không mặc trang phục dân tộc nữa. Đặc biệt là đàn ông thì mặc như người Kinh. Dần dà, không ai còn biết trang phục truyền thống của người Xinh Mun như thế nào. Thói quen, tập quán và ẩm thực, văn hóa giờ đều giống người Thái.
Người Xinh Mun cũng nói tiếng Thái kiểu pha trộn và mượn từ phổ thông khá nhiều. Họ cư trú xen kẽ với người Thái, người Lào và coi văn hóa người Thái là văn hóa của mình. Các nghi lễ cúng bản, lễ cơm mới, tín ngưỡng thờ tự gia đình và dòng họ đều mượn của người Thái. Chỉ có lễ Mạng Ma - một nghi lễ cầu sức khỏe, giải hạn của người Xinh Mun là riêng và được dân tộc Xinh Mun vẫn gìn giữ, làm lễ. Nghi lễ này đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2020. Nghi lễ Mạng Ma khá tốn kém nên không phải gia đình nào và lúc nào cũng được tổ chức.
Lễ Mạng Ma là nghi lễ dành cho các thầy mo của bản Xinh Mun. Bà Lò Khiêu tiết lộ rằng, những gia đình khá giả và có người già đau ốm thì tổ chức nghi lễ này. Họ tổ chức ngày lễ 3 hôm liền để cầu sức khỏe, khấn thần linh phù hộ gia đình, dòng họ khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, gia súc không mắc bệnh dịch mà ngày càng sinh sôi. Những gia đình có bậc ông bà cha mẹ lớn tuổi thì vài năm lại tổ chức một lần để cầu tuổi thọ, bớt vận hạn về sức khỏe, bệnh tật. Đây cũng tương tự như một kiểu cúng bản mệnh, cầu bình an, thêm tuổi thọ, giải trừ bệnh tật của nhiều dân tộc khác.
Đặc biệt, vì cách thức để một người trở thành thầy mo và hành nghề thầy mo ở bản làng Xinh Mun rất phức tạp và nhiều công đoạn nên những nghi thức truyền thống do thầy mo của người Xinh Mun đảm nhiệm vẫn còn được giữ gìn. Thầy mo giỏi có thể còn biết cả bốc thuốc chữa bệnh, chẩn bệnh, bấm độn, trì chú và bói toán nên thầy mo là bậc uy tín, được kiêng nể trong cộng đồng. Khi cúng lễ, thầy mo mặc trang phục truyền thống của người Xinh Mun, đầu nhất thiết phải đội khăn được tạo bằng cách ghép 2 mảnh vải thổ cẩm đỏ, đính các gù vải ghép nối nhiều màu rực rỡ và dài đến thắt lưng để thêm phần trang nghiêm.
Trong lễ Mạng Ma, phải sắp đặt đồ cúng, lễ vật và bài cúng trong một không khí mang màu sắc tâm linh, nghiêm cẩn. Đặc biệt là thầy mo phải biết các bài cúng kèm với múa và sử dụng nhạc khí chiêng trống, thanh la, chũm chọe. Ngày cúng, gia chủ phải dựng cây nêu bằng tre và buộc các dải vải màu xung quanh. Lễ Mạng Ma có gia súc hiến tế và nhiều rượu, thịt, gạo nếp kèm theo. Toàn bộ nghi lễ nhằm kết nối và kêu cầu thần linh phù giúp vạn vật, con người có sức khỏe, có niềm vui.
Sau lễ cúng, các thầy mo đã hoàn thành xong nghi lễ mời thần linh và dâng lễ vật thì tất cả những người tham gia trong lễ cúng cùng theo thầy mo múa xòe trong tiếng chiêng, trống. Thầy mo đi xung quanh cây nêu để vòng xòe ngược chiều kim đồng hồ rộng dần ra, mọi người chân bước theo nhịp xòe. Các vòng xòe mỗi lúc một sôi động, người tham gia múa làm các động tác cấy lúa, trồng cây, chăm nuôi gia súc, cầu mong lợn gà không bị dịch bệnh, mau lớn, sinh sôi đầy đàn. Đàn ông thì mong sức khỏe để cầm cày, bừa, dao, xẻng, phát nương, cuộc sống ngày một sung túc, no ấm.
Dù là một nghi lễ đặc sắc, nhưng không phải lúc nào người Xinh Mun cũng có thể tổ chức được một nghi lễ Mạng Ma đầy đủ. Họ giữ gìn văn hóa để làm động lực, khích lệ tinh thần phát triển kinh tế nhưng cũng phải có kinh tế vững mới có thể tổ chức được các nghi lễ quy mô, rườm rà và đủ hạng mục. Và như vậy, vốn văn hóa gốc của người Xinh Mun còn lại rất ít, rất cần được nghiên cứu, điền dã để tìm ra, giữ gìn, định hình lại những nghi lễ, phong tục, tập quán riêng của họ.
Người Xinh Mun là chủ nhân của dải biên cương này, chính văn hóa của họ sẽ góp phần làm đẹp cho biên cương Tây Bắc, làm động lực phát triển cho dải biên thùy hoang vắng này.