Ông Đinh Thông ở thôn Roong, xã Hồng Hóa (Minh Hóa) trước đây là hộ nghèo do gia đình đông con, thiếu vốn và kỹ thuật sản xuất. Năm 2015, gia đình ông Thông được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa hỗ trợ (bằng nguồn vốn giảm nghèo bền vững của ngành LĐTB&XH -PV) thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm trên 200m2 ao cá của gia đình.
Được hỗ trợ vốn để cải tạo ao, mua giống cá và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá diêu hồng. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian thả nuôi, ao cá diêu hồng của ông Thông đã cho thu hoạch với nguồn thu nhập khá, ổn định, mỗi năm gần 50 triệu đồng. “Hiện nay nhờ nuôi cá và chăn nuôi, trồng trọt thêm các giống cây con khác, gia đình tôi đã có của ăn, của để, thoát được cảnh đói nghèo đeo đẳng bao năm qua”, ông Thông phấn khởi chia sẻ.
Không chỉ hỗ trợ cho các hộ nghèo nuôi cá mà chương trình giảm nghèo còn hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực nhằm giúp người dân có “cần câu” để tạo sinh kế như phổ biến, tập huấn kỹ thuật trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây thanh long ruột đỏ.
Ông Cao Quang Bắc, xã Trung Hóa, một trong những hộ gia đình đầu tiên được đầu tư thực hiện mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ cho biết: Nhờ được đầu tư vốn và hướng dẫn kỹ thuật, nên mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông phát triển tốt, trung bình mỗi cây thanh long đạt 20kg với giá bán trung bình cũng mang về thu nhập hơn 300 ngàn đồng cho gia đình, so với nhiều loại cây trồng khác, thì cây thanh long thực sự góp phần giúp gia đình ông thoát khỏi hộ nghèo.
Ông Đinh Sỹ Hoạt, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa cho biết: Sau thành công của mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của một số hộ dân ở xã Trung Hóa, hiện Trạm Khuyến nông huyện đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, nhân rộng mô hình, phát triển cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất gò đồi, coi đây là một loại cây trồng có thể mang lại thu nhập cao, giúp người nông dân nơi đây có thể thoát nghèo bền vững.
Qua tìm hiểu, hiện nay nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo nên nhiều hộ dân ở các xã Trung Hóa, Hóa Hợp, Hóa Phúc… đã mạnh dạn đầu tư trồng và nuôi những vật nuôi có hiệu quả. Đơn cử như hộ gia đình anh Đinh Thanh Lam ở thôn Sy, xã Hóa Phúc đã xóa nghèo thành công. Nhờ nguồn hỗ trợ giảm nghèo, gia đình anh Lam đã cải tạo vườn tạp để trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như thanh long, ổi.. mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngoài ra anh Lam còn được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt khác, từ đó bản thân có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật để đầu tư nuôi gà, heo, trồng rừng... “Bây giờ gia đình tôi đã không còn phải lo đói vào những ngày giáp hạt như trước đây, vừa rồi thôn bình xét hộ nghèo, tôi cũng đã mạnh dạn xin ra khỏi hộ nghèo”, ông Lam tâm sự.
Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Minh Hóa, ông Đinh Thanh Sơn cho biết: Nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững cho nông dân Minh Hóa. Ngoài những chính sách hỗ trợ chung của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, những năm qua, ngành LĐTB&XH huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn có những chương trình hỗ trợ cụ thể bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp, từ đó, giúp các hộ nông dân trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững.
MINH THỨ