Trong xu thế hội nhập đòi hỏi chất lượng nguồn lao động khắt khe, thì việc hình thành các giải pháp đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, nâng cao vị thế của giáo dục nghề nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên cần phải cụ thể rõ nét hơn.
Cần cập nhật các phương pháp mớiSau 3 năm tốt nghiệp nghề điện lạnh hệ cao đẳng, nhưng anh Nguyễn Văn Chung ở xã Đăk Rục (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) vẫn không đáp ứng được nhu cầu khắt khe của nhiều doanh nghiệp lớn ở TP.Hồ Chí Minh nên bắt buộc phải tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng dài hạn ở Nhật Bản.
Anh Chung cho biết: Ở mình dạy nghề còn trọng lý thuyết quá. Các giải pháp tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực điện lạnh không được thực hành nên từ các tỉnh lẻ chúng tôi về TP.Hồ Chí Minh hay đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài rất khó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Khi được tuyển vào Công ty công nghệ Thế Hệ Mới Sài Gòn, họ phải đưa chúng tôi đi bồi dưỡng thêm ở Nhật Bản và thỉnh thoảng mời giáo viên nước ngoài đến trao đổi, chuyển giao thêm kiến thức mới, các phương pháp xử lý sự cố điện lạnh tiên tiến.
Do không được cập nhật các kỹ năng mới trong nghề cơ khí nên sau khi tốt nghiệp cao đẳng nghề cơ khí ở Đăk Lăk; được một công ty xây lắp công nghiệp của Nhật Bản tuyển dụng đi xuất khẩu lao động nhưng anh Lê Văn Hùng ở xã Tân Tiến (huyện Krông Păk, Đăk Lăk) cũng không đáp ứng được nhu cầu ngay mà phải tiếp tục thực hành các kỹ năng mới tại Nhật Bản gần một năm mới được làm việc chính thức và được trả lương.
Anh Hùng chia sẻ: Các phương tiện thực hành ở hầu hết các trường nghề ở Tây Nguyên còn lạc hậu, phương pháp không đạt chuẩn khu vực châu Á nên lao động học nghề xong khó đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Ở Nhật Bản sau mỗi khóa đào tạo nghề, người học đều có kỹ năng nghề chuẩn, có thể đáp ứng công việc ở bất kỳ quốc gia nào.
Trong nhiều cuộc hội thảo về dạy nghề, học nghề ở Tây Nguyên đã chỉ ra rằng: Chất lượng nguồn nhân lực, lao động qua đào tạo nghề rất thấp. Tỷ lệ người DTTS, người vùng sâu, vùng xa không có nghề nghiệp, đào tạo nghề không thích hợp còn diễn ra phổ biển.
Giải pháp nên áp dụng ngay trong thời kỳ hội nhập đó là: Xây dựng chính sách ứng phó với những thách thức thực tế trong đào tạo nghề. Tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Phấn đấu, mỗi tỉnh ở Tây Nguyên ít nhất phải có một trường cao đẳng nghề. Các trường phải cam kết đầu ra cho học viên và thường xuyên cập nhật các phương pháp mới…
Hướng đến chuẩn nghề nghiệp cấp độ ASEANTheo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì, mục tiêu đến năm 2020, các trường nghề ở khu vực Tây Nguyên phải đảm nhiệm được nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và khu vực. Trong đó, mỗi trường phải có 2 đến 3 nghề cấp độ khu vực ASEAN (cấp độ khu vực châu Á) để hướng đến xuất khẩu lao động đi các nước phát triển làm việc. Nhanh chóng nâng cấp các trường dân tộc nội trú, khoa dân tộc nội trú ở Tây Nguyên và khu vực giáp ranh để có đủ điều kiện đào tạo bước đầu cho con em người DTTS. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho thiết bị dạy học hiện đại, xem thiết bị là yếu tố quan trọng; phải có tiêu chí cụ thể về lao động tay nghề cao để làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực làm nền tảng cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Bà Kreibich, đại diện cho tổ chức Giz (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức) cũng nhận định, để công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động ở Tây Nguyên đến năm 2020 phát triển hiệu quả, cần để doanh nghiệp tham gia từ xây dựng tiêu chuẩn đến thực hiện triển khai chương trình đào tạo nghề và kiểm tra chất lượng chứng chỉ nghề. Mở thêm và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Thúc đẩy việc trao đổi, cọ sát giáo viên và giảng viên giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, nhất là các doanh nghiệp lớn. Trường nghề nên mời thêm giáo viên dạy nghề giỏi trên thế giới đến thỉnh giảng. Có như vậy, người học nghề mới đáp ứng được các nhu cầu khắt khe của thời kỳ hội nhập.
HÀ VĂN ĐẠO