Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đẩy mạnh công tác truyền thông: Giải pháp phòng ngừa nguy cơ mất an toàn lao động

PV - 15:18, 12/09/2018

Theo đánh giá của Cục An toàn Lao động, sự chủ quan, thờ ơ của người lao động và người sử dụng lao động là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn lao động, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn tại nơi làm việc. Bởi vậy, để những quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đi vào cuộc sống thì việc tăng cường công tác truyền thông là một trong những giải pháp có vai trò đặc biệt quan trọng.

an toàn lao động Để giảm thiểu TNLĐ thì người sử dụng lao động phải chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm ATVSLĐ trên công trường.

Những con số báo động

Theo số liệu của Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mặc dù đã có nhiều giải pháp được triển khai nhưng tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn có chiều hướng gia tăng. Nếu như ở giai đoạn 1995-2005, trung bình có 2.600 vụ TNLĐ/năm, số người chết do TNLĐ 260 người/năm thì đến giai đoạn 2006-2016 đã tăng lên, trung bình mỗi năm xảy ra 6.000 vụ TNLĐ, số người chết do TNLĐ là 600 người/năm. Năm 2017, cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ, làm 9.173 người bị tai nạn, trong đó có 928 người chết (tăng 65 người với năm 2016), 1.915 người bị thương nặng.

Những tháng đầu năm 2018, dù chưa có số liệu tổng hợp chung cả nước nhưng tình hình TNLĐ ở một số địa phương “trọng điểm” vẫn diễn biến rất phức tạp. Như tại Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 405 vụ tai nạn lao động, trong đó có 8 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 8 người.

Ở một số địa phương khác, số vụ TNLĐ tuy ít nhưng tính chất vụ việc lại rất nghiêm trọng. Như tại TP. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm xảy ra 17 vụ TNLĐ, làm 16 người chết. Còn tại Quảng Ninh, tính từ 01/1 đến 27/6/2018, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ TNLĐ, làm 15 người chết.

Mới đây nhất, ngày 8/8/2018, tại đường lò bán xuyên, thuộc phân xưởng đào lò 6, Công ty Cổ phần Than Mông Dương (Quảng Ninh) xảy ra vụ TNLĐ khiến 2 người thương vong. Nạn nhân là anh Nguyễn Thế Hoạt (SN 1993, quê ở Yên Bái) và anh Vi Văn Dụng (SN 1990, quê ở Cao Bằng).

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, TNLĐ không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người bị nạn mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế chung. Chỉ tính trong năm 2017, TNLĐ làm tăng chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương lên tới 1.541 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 4,8 tỷ đồng. Đặc biệt, TNLĐ làm thiệt hại thời gian tới 136.918 ngày làm việc.

an toàn lao động Các doanh nghiệp cần thường xuyên tập huấn ATVSLĐ cho người lao động.

Nguyên nhân phần lớn do ý thức an toàn lao động

Đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động là một trong những chủ trương, chính sách lớn, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng. Tại Điều 35, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”. Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có hiệu lực từ tháng 7/2016 với nhiều nội dung, chính sách quan trọng lần đầu được điều chỉnh, trong đó có những chế tài xử lý vi phạm đã được siết chặt hơn.

Tuy nhiên, TNLĐ vẫn là vấn đề xã hội nhức nhối. Vì sao vậy?

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, một trong những nguyên nhân khiến TNLĐ diễn biến khó lường là do công tác thanh kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên. Theo thống kê, hiện trung bình mỗi thanh tra viên lao động phải kiểm soát khoảng 2.200 doanh nghiệp; chỉ có 0,22% doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động/năm. Cả nước có khoảng 7 triệu lao động được tập huấn về ATVSLĐ, bằng hơn 10% số lao động trong độ tuổi.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do ý thức chấp hành các quy định bảo đảm ATVSLĐ của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Phân tích các vụ tai nạn có nguyên nhân từ người sử dụng lao động, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Nguyễn Anh Thơ cho rằng, có 3 nhóm chính: “Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,31%; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10% …”.

Cũng theo ông Thơ, khảo sát về an toàn lao động cũng cho thấy, nguyên nhân từ phía người lao động cũng chiếm tới 20%. Trong đó, lỗi vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động chiếm 16,9% tổng số vụ, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 3,1% tổng số vụ. Ngoài ra, hơn 34% nguyên nhân gây tai nạn chết người là do các nguyên nhân khác như: Lý do khách quan, nguyên nhân chưa kể đến, tai nạn giao thông.

an toàn lao động Khai thác khoáng sản là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro về TNLĐ. (Ảnh minh họa)

Tăng cường truyền thông bảo đảm ATVSLĐ

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu TNLĐ là phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATVSLĐ. Từ năm 1998 đến 2016, Tuần lễ ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ đã được tổ chức thường niên; từ năm 2017 đến nay được thay bằng Tháng ATVSLĐ.

Những năm qua, các hoạt động trong Tuần (Tháng) ATVSLĐ đã được các địa phương, doanh nghiệp, người lao động tham gia hưởng ứng, làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người lao động và toàn xã hội. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức về bảo đảm ATVSLĐ phải được triển khai thường xuyên, liên tục; bởi TNLĐ luôn tiềm ẩn, các yếu tố bất ngờ.

Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho rằng, để cải thiện tình trạng TNLĐ thì các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần triển khai rộng rãi Luật ATVSLĐ; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động.

Đồng thời, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động để phản ánh mọi mặt của công tác ATVSLĐ; chú trọng tuyên truyền các mô hình, những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, tích cực, có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm nhân rộng, tạo phong trào thi đua về ATVSLĐ trong cộng đồng doang nghiệp. Ngoài ra cần đào tạo, phát triển đội ngũ tình nguyện viên, tuyên truyền viên (xây dựng mạng lưới) tại các doanh nghiệp, làng, xã, chi hội ở địa phương…để tạo sức lan tỏa sâu rộng, tạo hạt nhân tích cực để nâng cao ý thức bảo đảm ATVSLĐ trong cộng đồng.

KHÁNH VÂN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.