Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đẩy mạnh cơ chế hợp tác toàn diện giữa 9 tỉnh của Việt Nam, Lào và Thái Lan

PV - 14:05, 29/02/2024

Hội nghị cấp cao 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12 lần thứ 23 đã diễn ra từ ngày 27-29/2 tại tỉnh Sakon Nakhon (Đông Bắc Thái Lan) với sự tham dự của đại diện 9 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình của Việt Nam; Bueng Kan, Sakon Nakhon, Nakhon Phanom và Nong Khai của Thái Lan; cùng Bolikhamxay và Khammouane của Lào. Bên cạnh đó, hội nghị còn có sự tham dự của đại diện hàng chục doanh nghiệp đến từ các tỉnh thành 3 nước.

Đại diện 9 tỉnh dự hội nghị ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: TTXVN
Đại diện 9 tỉnh dự hội nghị ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: TTXVN

Tại Thái Lan, tới dự và phát biểu tại hội nghị, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Chu Đức Dũng cho biết trong năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và lớn thứ 6 trên thế giới. Thương mại giữa hai nước đạt gần 19 tỷ USD vào năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Thái Lan sang Việt Nam chiếm 11,8 tỷ USD và nhập khẩu từ Việt Nam là 7,19 tỷ USD. Hơn 200 công ty Thái Lan đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm năng lượng tái tạo, bán lẻ, hóa dầu, khu công nghiệp, ngân hàng và nông nghiệp. Hiện hai nước có hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng 20 cặp tỉnh/thành kết nghĩa, mới nhất là kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị và Ubon Ratchathani ngày 18/1 vừa qua.

Tổng lãnh sự Chu Đức Dũng nhấn mạnh Tổng Lãnh sự quán tại Khon Kaen đang xúc tiến tăng cường hợp tác với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, đặc biệt là các tỉnh có đông bà con kiều bào và các tỉnh vùng biên giới giáp Lào. Một trong những trọng tâm là tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế tại các tỉnh dọc theo đường 8, đường 9 và đường 12, thúc đẩy phát triển khu vực 9 tỉnh của Việt Nam, Thái Lan và Lào bởi đây là nơi có vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện, ẩm thực tương đồng và người dân thân thiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về kết quả thực hiện nội dung Biên bản Hội nghị cấp cao lần thứ 22, đồng thời đề ra các phương hướng hợp tác trong tương lai. Theo biên bản ghi nhớ tại hội nghị, các tỉnh nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học và công nghệ, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác, trao đổi trong công tác đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ người lao động trong các ngành nghề được tự do di chuyển theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và trên cơ sở quy định pháp luật của mỗi nước, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin cho nhau về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh khác đang lây lan; thúc đẩy giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch. 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, các tỉnh nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi thông tin, tuyên truyền về các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, đặc biệt là các địa điểm du lịch quan trọng của mỗi tỉnh; tăng cường giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, đặc biệt là các lễ hội lớn, có ý nghĩa trên địa bàn 9 tỉnh của 3 nước nhằm củng cố quan hệ hữu nghị giữa các tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải công cộng tại 9 tỉnh của 3 nước quảng bá du lịch; tăng cường và tạo điều kiện phát triển du lịch theo hình thức tổ chức lữ hành du lịch.

Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, các tỉnh nhất trí phối hợp hướng dẫn, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, sản phẩm, doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi 9 tỉnh của 3 nước để thu hút đầu tư vào từng tỉnh trong nhóm cộng đồng; tăng trưởng và phát triển buôn bán ở khu vực biên giới; phối hợp tạo điều kiện giúp giảm thời gian, quy trình hoàn thiện hồ sơ nhằm tạo thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa ra - vào nhanh chóng.

Về giao thông và vận tải, các tỉnh nhất trí tiếp tục kiến nghị chính phủ 3 nước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ mở đường vận chuyển Hà Tĩnh - Thakhek - Nakhon Phanom - Bangkok; tiếp tục phối hợp mở các tuyến vận chuyển hành khách du lịch từ Quảng Bình - Khammouane - Nakhon Phanom - Sakon Nakhon; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại 9 tỉnh của 3 nước hợp tác vận chuyển hàng hóa qua đường 8 và 12 đến Khu công nghiệp Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Hòn La (tỉnh Quảng Bình), Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) và giao hàng đến nước thứ 3; tiếp tục khuyến khích Dự án xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội qua nút giao Thanh Thủy (Nghệ An) - Nam On (Bolikhamxay) được chính phủ hai nước thống nhất đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại và phát triển kinh tế - xã hội giữa Lào và Việt Nam; khuyến khích việc xây dựng đường kết nối cửa khẩu quốc tế Namphao - Cầu Treo được Chính phủ Lào và Việt Nam xem xét cho phép triển khai sớm hơn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các tỉnh cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các tỉnh; hợp tác chặt chẽ trong việc hỗ trợ như cung cấp kiến thức kỹ thuật, dạy nghề, kỹ thuật chăn nuôi, giống cây trồng và các loài vật nuôi; ngăn chặn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và chống buôn bán trái phép, vận chuyển trái phép động vật hoang dã được bảo tồn dọc biên giới.

Hội nghị cũng nhất trí sẽ tổ chức hội nghị cấp cao 9 tỉnh 3 nước lần thứ 24 tại tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) trong tháng 2 và 3/2025. Cuộc họp trù bị cho hội nghị lần thứ 24 sẽ diễn ra tại tỉnh Khammouane của Lào trong tháng 9-10 năm nay.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.