Thực trạng đáng báo động
Theo báo cáo của huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn trong năm 2024 là hơn 18.000 con. Trong năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn có 3 người chết do bệnh dại.
Trước tình hình bệnh dại đang ngày càng báo động, UBND huyện Chư Sê đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp UBND xã triển khai các biện pháp phòng chống dại động vật. Tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực xung quanh chuồng nuôi có người bị chó cắn chết để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, vận động người dân chủ động mua vắc xin phòng bệnh dại để tiêm cho đàn vật nuôi của gia đình. Mặt khác, tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn huyện bị chó cắn chủ động đến các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc xin và kháng huyết thanh.
Tại huyện Đức Cơ, từ đầu năm trên địa bàn cũng có 1 trường hợp tử vong do bên dại tại làng Lung Prông, xã Ia Kriêng. Qua xác minh, trường hợp bị tử vong do chó thả rông chưa được tiêm phòng cắn phải. Trong khi đó, gia đình cũng không kịp thời đưa đi tiêm phòng vắc xin nên dẫn đến tử vong.
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, việc nuôi chó đều có văn bản quy định pháp luật rõ ràng. Chẳng hạn, nuôi chó để thả rông sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí truy tố pháp luật nếu để chó cắn gây hậu quả chết người. Văn bản quy định rõ ràng là vậy nhưng khi xuống cơ sở, các địa phương chưa thực hiện hoặc than khó.
“Thả rông chó sẽ bị xử phạt hiện có trong văn bản quy định nhưng các địa phương đã thực hiện chưa mà kêu khó. Mức độ của chó cắn nguy hiểm như thế nào, quản lý nuôi cho ra sao chúng ta đã làm được chưa? Rõ ràng việc xử lý bệnh dại khi “trên thì đang nóng, dưới thì nguội. Do đó, cần nâng cao hơn nữa ý thức người dân, quyết liệt loại trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 3 ổ bệnh dịch chó dại tại các huyện: Định Quán, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Riêng số người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng bệnh dại trong 2 tháng đầu năm 2024 đã hơn 4 ngàn ca. Trong đó, nhiều trường hợp bị chó cắn tại những vị trí nguy hiểm, vết thương lớn phải tiêm huyết thanh kháng bệnh dại. Còn tại Thanh Hóa, tính riêng từ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm. Theo thống kê, hằng năm, tại tỉnh Thanh Hóa có khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sức khoẻ người dân.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh dại
Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế cho biết, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng; nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do dại cao. Riêng ba tháng đầu năm 2024, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin phòng dại còn thấp (chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn).
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030. Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.
Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng chống bệnh dại.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi). Trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.