Chàng rể người Dao và cô dâu người Tày
Chuyện tình giữa chàng trai người Dao đỏ Lý Tài Hiểu và cô gái Tày Ma Thanh Mai thật đẹp! Cả hai người học chung trường từ thửa nhỏ và mối tình học sinh đó như lời ước hẹn. Để rồi sau khi tốt nghiệp đại học, Hiểu và Mai có công ăn việc làm ổn định, lời yêu thương ấy đã vẹn tròn với một đám cưới đặc biệt!
Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Dao đỏ có nhiều nghi lễ như Lễ đánh tiếng, Lễ xem mặt, Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi…Trong đó, Lễ cưới là nghi lễ quan trọng nhất, phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Dao đỏ. Đặc biệt, họ rất coi trọng phụ nữ nên trong đám cưới nhà trai sẽ thực hiện những lễ nghi trang trọng nhất để làm vừa lòng cô dâu và đoàn rước dâu nhà gái.
Từ mấy ngày trước, nhà cửa của bà Phùng Thị Tâm được trang hoàng đẹp đẽ. Đặc biệt có dán những miếng giấy đỏ ghi những dòng chữ chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ.
Ông Triệu Văn Thọ, thầy cúng làm lễ chia sẻ, ngay từ chiều hôm trước, thầy và gia đình đã làm lễ báo cáo tổ tiên chuẩn bị đón con dâu. Theo quan niệm, người Dao thường đón dâu khi mặt trời chưa ló rạng. Bởi khi người con gái đi lấy chồng không được để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này.
Để chuẩn bị cho buổi rước dâu, ngay từ sáng sớm, tại gia đình chú rể Lý Tài Hiểu đã nhộn nhịp người ra, người vào. Các bà, các mẹ bận rộn với việc chuẩn bị sính lễ, còn cánh đàn ông, thanh niên thì chuẩn bị trang phục cho chú rể, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, phù rể…
Điều đặc biệt trong đám cưới này, cô dâu là người Tày nên từ lễ vật đến quy trình sang đón dâu sẽ được thực hiện theo phong tục nhà gái. Sau đó, khi cô dâu trên đường về nhà chồng thì theo phong tục người Dao đỏ.
Bà Phùng Thị Tâm, mẹ chú rể Hiểu chia sẻ: “Lễ vật chúng tôi chuẩn bị theo đúng phong tục người Tày. Đó là: 1 con lợn đen 10 kg, 1 cặp gà trống, 12 cặp bánh chưng, 12 cặp bánh dày, 1 xấp vải chàm đen, trầu cau… Số người đi đón dâu bao giờ cũng là số lẻ để sau khi đoàn trở về đón thêm cô dâu sẽ thành số chẵn, thường là 10 hoặc 12 người. Theo quan niệm, số chẵn tượng trưng cho điều may mắn, tròn trĩnh, đủ đôi, đủ cặp.
Cô dâu Ma Thanh Mai mặc bộ trang phục truyền thống của người Tày. Sau khi đưa lễ cho nhà gái, Trưởng đoàn nhà trai bắt đầu xin dâu lần một và cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ trước bàn thờ gia tiên nhà gái.
Sau đó, nhà gái, nhà trai cùng dùng bữa cơm thân mật. Khi đến giờ lành thì Trưởng đoàn tiếp tục xin dâu lần 2 để được đón con dâu về nhà chồng. Trưởng đoàn và Phó đoàn là người đi trước, chú rể và cô dâu đi sau. Đặc biệt, khi bước ra khỏi nhà, mẹ ruột của cô dâu buộc dây nón cho con với mong muốn cô dâu sẽ luôn được chở che, gặp may mắn khi sống với gia đình nhà chồng.
Lễ rửa chân cho cô dâu và ý nghĩa nhân văn
Bước ra khỏi nhà gái, cô dâu Ma Thanh Mai thay trang phục cô dâu người Dao để theo chàng rể Dao về chung đôi. Từ đây, nghi lễ đón dâu về nhà chồng được thực hiện theo phong tục của người Dao đỏ.
Cô dâu theo chân phù dâu cùng đoàn nhà trai về nhà chồng. Trước khi vào làm lễ bái đường thì cô dâu phải trải qua một nghi lễ đặc biệt, đó là lễ rửa chân. Bà Phùng Thị Tâm, mẹ chú rể Hiểu chia sẻ, người Dao luôn trân trọng người con dâu. Trong lễ cưới, cô dâu sẽ được người bên nhà chồng rửa chân, thể hiện tình cảm gần gũi yêu thương, chăm chút, nâng niu. Đồng thời mong muốn cô dâu sẽ bỏ được mọi điều không may mắn, bàn chân sạch đẹp để bước vào nhà chồng sống một cuộc sống bình an, nhẹ nhàng.
Đây là một tục lệ giàu giá trị nhân văn, thể hiện tình cảm qua những cử chỉ nhỏ nhất. Cô dâu Ma Thanh Mai chia sẻ: “Em cảm thấy xúc động vì cảm thấy được trân trọng yêu quý, từ đây em sẽ là người con dâu hiếu thảo, hết lòng vì gia đình chồng”.
Nghi lễ tiếp theo đó là lễ bái đường. Trước hết cô dâu, chú rể tiến vào bàn thờ tổ tiên để uống rượu hồng giao môi hẹn thề tình cảm vợ chồng trước sự chứng kiến của gia tiên, thầy cúng, họ hàng hai bên. Lễ bái đường được diễn ra hết sức cung kính, trước mặt cô dâu, chú rể là 1 chiếc chăn, 1 chiếc chiếu. Cả hai sẽ quỳ lạy kính lễ báo cáo tổ tiên ước nguyện sẽ cùng nhau chung chăn, chung chiếu, thuỷ chung đến trọn cuộc đời. Cuối cùng, thầy cúng kính báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu, chú rể đã chính thức trở thành vợ chồng, gia tộc đã có thêm một người mới.
Đêm đó, các cô gái chàng trai đôi bên được dịp trổ tài hát Páo Dung. Anh Lý Tài Hân nói rằng, càng về khuya lời Páo Dung càng da diết, lũ trẻ mong mình lớn lên để được hát Páo Dung, người già như thấy mình trẻ lại, đám cưới cũng là dịp để đôi lứa mới tìm đến với nhau, viết tiếp những câu chuyện tình đẹp nơi bản người Dao Noọng Cuồng này.
Sau khi kết thúc, cô dâu, chú rể, phù rể, phù dâu gặp nhau ở buồng và ăn bữa cơm tình yêu. Tất cả mọi người cùng nhau chúc đôi lứa đã nên duyên vợ chồng, hạnh phúc trăm năm, tạo nên không khí vui tươi rộn ràng.
Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Dao đỏ, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hoá, lịch sử và giáo dục.
Ngày nay, mặc dù có sự giao thoa văn hóa, thế nhưng người Dao đỏ ở Noọng Cuồng, xã Phúc Sơn vẫn giao tiếp bằng tiếng Dao, mặc trang phục truyền thống hằng ngày. Đặc biệt, mọi nghi lễ, phong tục tập quán truyền thống vẫn không bị mai một. Tục cưới hỏi luôn được người Dao nơi đây coi trọng, giữ gìn như một nét đẹp văn hóa đặc trưng.