Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Dấu ấn văn hóa dân tộc thiểu số trong âm nhạc Việt

Băng Ngân - Trương Vui - 11:45, 04/11/2023

Những nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số đặc trưng, đa dạng chính là một nguồn cảm hứng, một chất liệu độc đáo được nhiều nghệ sĩ khai thác. Bằng việc vận dụng sáng tạo, khéo léo phối kết hợp các yếu tố dân tộc với âm nhạc hiện đại, họ đã mang đến sự bùng nổ mạnh mẽ cho những đứa con tinh thần của mình, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, đưa nét đẹp bản sắc vùng cao đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Phân cảnh đám cưới của người Dao xuất hiện trong MV âm nhạc “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” của ca sĩ Bích Phương
Phân cảnh đám cưới của người Dao xuất hiện trong MV âm nhạc “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” của ca sĩ Bích Phương

Sắc màu vùng cao

Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc đón nhận nhiều sản phẩm là kết quả của việc kết hợp giữa chất liệu văn hóa DTTS với Rap hay nhạc điện tử sôi động, tạo cầu nối thú vị để khán giả có cơ hội được tìm hiểu nhiều hơn về phong tục tập quán, văn hóa và cuộc sống nơi vùng cao.

Mới đây nhất, có thể kể đến bài hát “À lôi” - sản phẩm kết hợp của Double2T và producer Masew đã làm mưa làm gió trên các nền tảng mạng xã hội. Lấy cảm hứng từ một câu cảm thán “à lôi” quen thuộc của người Tày, kết hợp thêm tiếng khèn, sáo mèo quyện với giai điệu, bài hát đã gợi lại những âm thanh núi rừng cùng nhiều nét đặc trưng trong văn hóa đồng bào DTTS vùng Tây Bắc.

Nhờ thế, dù chỉ mới gia nhập thị trường âm nhạc, “À lôi” đã nhanh chóng thống trị top 1 trending, là xu hướng phủ sóng mạng xã hội Tiktok với trào lưu "biến hình", thay đổi từ trang phục bình thường thành trang phục truyền thống của đồng bào DTTS. Những màn hóa thân thành trai bản, gái bản đầy thú vị trên nền bài nhạc đã thu hút cả triệu lượt xem, góp phần lan tỏa hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, những bộ trang phục dân tộc ấn tượng đến với khán giả.

Trước thành công “À lôi”, thị trường âm nhạc Việt cũng ghi dấu nhiều ca khúc sử dụng chất liệu văn hóa DTTS, tạo được dấn ấn mạnh mẽ trong cộng đồng mạng.

Trong đó phải kể đến ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, khi sử dụng âm hưởng dân ca, dân vũ, kết hợp màu sắc văn hóa dân tộc Mông đặc trưng, trong đó bao gồm cả trang phục dân tộc.

Hay ca sĩ Bích Phương với MV âm nhạc độc đáo “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau”, tái hiện một đám cưới dân tộc Dao với đủ đầy các nghi lễ thú vị, những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ, những nụ cười của đồng bào dân tộc và cả những di sản văn hóa vùng cao.

Không chỉ thống trị top 1 trending trên các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín, "À lôi" còn là xu hướng phủ sóng mạng xã hội Tiktok với trào lưu "biến hình" từ trang phục bình thường thành trang phục truyền thống của đồng bào DTTS
Không chỉ thống trị top 1 trending trên các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín, "À lôi" còn là xu hướng phủ sóng mạng xã hội Tiktok với trào lưu "biến hình" từ trang phục bình thường thành trang phục truyền thống của đồng bào DTTS

Cùng một loạt bản “hit” khác đã được trình làng, khai thác âm hưởng dân gian miền núi, kết hợp những âm thanh từ nhạc cụ dân tộc với xu hướng âm nhạc hiện đại, tạo ra những ca khúc "bắt tai", thu hút hàng triệu lượt xem của khán giả trong và ngoài nước. Độ phụ sóng của các sáng tác này đã góp phần không nhỏ vào thành công thu hẹp khoảng cách vùng cao, lan tỏa hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp cũng như quảng bá những văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS.

Để tạo “hit” từ đề tài văn hóa DTTS

Sự thành công của các sản phẩm âm nhạc trên trong thời gian gần đây đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của văn hóa dân tộc trong âm nhạc Việt. Mặc dù đó không phải là những ca khúc “đậm đặc” chất dân tộc, hay được trình diễn ở những sân khấu có tính chất giới thiệu văn hóa một cách bài bản, nhưng chúng lại có khả năng tạo “trend”, kích thích người nghe tò mò tìm hiểu, khám phá về vùng đất, con người mà trước đây đã rất lạ lẫm, xa vời.

Nói về xu hướng đưa chất liệu dân tộc vào tác phẩm âm nhạc hiện nay, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đây là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó giúp tạo ra màu sắc riêng, "chất" Việt Nam cho các ca khúc dành cho giới trẻ hiện nay. Đây cũng là một trong những cách làm hiệu quả để giữ gìn bản sắc và khẳng định được tầm quan trọng của những nét đẹp văn hóa dân tộc trong âm nhạc đương đại để hòa nhập với âm nhạc quốc tế.

Bản sắc văn hóa các DTTS đang được đánh giá là một đề tài lớn cho các tác giả, nhạc sĩ trẻ thỏa sức "vẫy vùng"
Bản sắc văn hóa các DTTS đang được đánh giá là một đề tài lớn cho các tác giả, nhạc sĩ trẻ thỏa sức "vẫy vùng"

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, âm nhạc của các DTTS, một trong những giá trị quan trọng của văn hóa các DTTS, có vai trò quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc riêng từng dân tộc, cũng như sự phong phú đa dạng của âm nhạc Việt Nam, hiện nay không ít người trẻ không còn chú trọng tới yếu tố này.

Cùng với đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập hiện nay, với sự giao thoa, du nhập văn hóa từ bên ngoài hay giữa các vùng, miền với nhau khiến cho một số thành tố là bản sắc văn hóa DTTS đang nguy cơ bị mai một, biến mất.

Do đó, việc kết hợp yếu tố văn hóa vào các sáng tác mới chính là một hướng đi độc đáo, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, quảng bá văn hóa DTTS đến đông đảo khán giả.

Với sự đa dạng, phong phú trong bản sắc của 53 DTTS trên mọi miền đất nước, mà chất liệu này hiện nay đang được đánh giá là một trong những lựa chọn để các tác giả, nhạc sĩ trẻ thỏa sức tìm tòi, sáng tạo, cho ra lò những tác phẩm mới mang đậm bản sắc văn hóa và nhịp thở cuộc sống của bản làng vùng cao.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cách khai thác, sử dụng khéo léo để tạo ra những sản phẩm mang không khí mới của thời đại hôm nay, tạo sự gần gũi và thu hút với khán giả trẻ trước làn sóng tấn công mạnh mẽ của nhạc K-pop, Hàn, Âu - Mỹ hay các dòng nhạc thời thượng. Để một ngày nào đó, những tác phẩm mang dấu ấn bản sắc dân tộc sẽ vươn xa ra với thế giới, có chỗ đứng riêng trong dòng chảy âm nhạc nhiều màu sắc.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.