Nhiều địa phương vượt tiến độ
Với việc áp dụng tiêu chí địa bàn có số lượng người DTTS đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân (năm 2019 là 30%) nên tổng địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn năm 2019 lên 14.928 địa bàn điều tra năm 2024. Ở nhiều tỉnh, thành phố, cuộc điều tra được triển khai ở gần 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đơn cử như Cao Bằng, cuộc Điều tra thực hiện theo phiếu xã được thực hiện tại 161/161 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh. Theo phiếu hộ, Cao Bằng triển khai điều tra 22.682 hộ DTTS tại 553 địa bàn, trong đó có 39 địa bàn điều tra toàn bộ với 3.767 hộ. Tương tự, ở Hà Giang, cuộc điều tra được tiến hành tại 193/193 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh. Toàn tỉnh có 686 địa bàn điều tra, trong đó có 140 địa bàn điều tra toàn bộ....
Không chỉ nội dung điều tra rất rộng mà đa phần địa bàn điều tra đều thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các hộ điều tra xa nhau... Bên cạnh đó, cuộc điều tra được tiến hành trong thời điểm ở nhiều địa phương xảy ra mưa to kéo dài trên diện rộng, gây trở ngại cho công tác điều tra.
Với quyết tâm của các Điều tra viên, Giám sát viên và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê và lãnh đạo các địa phương, cuộc điều tra đã bảo đảm tiến độ đề ra, nhiều địa phương đã vượt tiến độ. Như tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến ngày 12/8 đã hoàn thành cuộc điều tra tại 74/74 địa bàn. Tại Cao Bằng, đến ngày 31/7/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành điều tra, thu thập thông tin 18.731 hộ (đạt 82,57% kế hoạch); còn tại Ninh Bình, tỉnh đã hoàn thành điều tra trong ngày 9/8, sớm hơn kế hoạch của Trung ương 6 ngày...
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cuộc điều tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới. Do đó, các địa phương rất quyết tâm, quyết liệt trong triển khai, thực hiện cuộc điều tra.
“Nhận diện được những khó khăn của cuộc điều tra nên từ đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc trong công tác chuẩn bị, từ xác định nội dung điều tra, thiết kế mẫu phiếu điều tra và mẫu tổng hợp kết quả điều tra, xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát và cập nhật địa bàn điều tra; chuẩn bị cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát… Từ đó góp phần hoàn thành cuộc điều tra đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra”, ông Tiến cho biết.
Công tác giám sát cuộc điều tra năm 2024 được triển khai bằng 2 hình thức: Trực tuyến (thông qua Web điều hành) và trực tiếp (thành lập các đoàn giám sát). Sau Lễ ra quân ngày 1/7, có 5 đoàn giám sát cấp Trung ương do lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê làm Trưởng đoàn đã đi các địa phương nắm bắt tình hình công tác điều tra; kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo kịp thời giúp các địa phương hạn chế các sai sót trong quá trình điều tra, thu thập thông tin, đảm bảo tiến độ, chất lượng thu thập thông tin điều tra.
Dấu ấn của những “đầu tàu”
Trong cuộc điều tra năm 2024, cùng với nỗ lực của lực lượng Điều tra viên, Giám sát viên thì đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã để lại dấu ấn là những “đầu tàu” trong tuyên truyền, vận động đồng bào chủ động cung cấp thông tin. Đây cũng là lực lượng tham gia kiểm chứng để thông tin thu thập được chính xác, đầy đủ.
Như ông Vàng Văn Phủ, Người có uy tín thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từ 01/7/2024, ông đã cùng Điều tra viên đi từng hộ trong bản để thu thập thông tin. Trong quá trình thu thập, ông Phủ vừa là tuyên truyền viên, vừa là phiên dịch viên, do trong thôn có một số người cao tuổi không biết tiếng phổ thông.
Hay như ông Hồ Xuân Phòng, Người có uy tín của xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vốn nắm rõ địa bàn nơi cư trú nên ông dự báo được những khó khăn mà Điều tra viên gặp phải trong quá trình điều tra. Do đó, ông đã tích cực tuyên truyền để người dân trong thôn cùng hiểu, cùng phối hợp với Điều tra viên thực hiện cung cấp thông tin chính xác, kịp thời.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời hiểu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng các DTTS. Vì vậy, khi thực hiện cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê đã xác định vai trò quyết định của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong tuyên truyền điều tra.
Một dấu ấn trong cuộc điều tra năm 2024 là công tác giám sát được tăng cường triển khai, với nhiều hình thức tới tận địa bàn điều tra. Công tác giám sát điều tra 53 DTTS năm 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có xã và địa bàn điều tra, đặc biệt tập trung vào khâu thu thập thông tin thực địa.
Qua giám sát, theo đánh giá bước đầu của Tổng cục Thống kê, công tác chuẩn bị và tổ chức thu thập thông tin tại các địa phương thực hiện tốt, đúng phương án; công tác phối kết hợp với các sở, ban, ngành và lãnh đạo tại địa phương tốt, tạo thuận lợi cho việc triển khai thu thập thông tin điều tra; các Điều tra viên phỏng vấn đúng quy trình và thực hiện đúng các bước nhảy câu hỏi phỏng vấn hộ; công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đem lại hiệu quả cao, các hộ dân nhiệt tình hợp tác cung cấp thông tin cho Điều tra viên.