Nóng” cùng nghị trườngNghị trường Quốc hội năm 2017 luôn “nóng”, bất kể thời tiết bên ngoài nắng như đổ lửa hay giá rét căm căm. Tại đây, hàng loạt những vấn đề trọng đại của đất nước được các đại biểu Quốc hội bàn luận, đánh giá và phân tích, biểu quyết, thông qua.
Vẫn còn nhớ như in phiên họp chiều 6/11, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nhận xét “lĩnh vực nào của luật phòng, chống có chương trình phòng ngừa thì kết quả ngược lại” và chứng minh đánh giá này bằng cách dẫn chứng các loại tội phạm ma túy, tham nhũng, môi trường phát hiện tăng trong năm 2017.
Không đồng tình, sáng 7/11, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) phản biện: “đại biểu Hiền quy kết, lấy hiện tượng thay cho bản chất", đồng thời dẫn chứng số các vụ án ở những lĩnh vực trên tăng so với năm 2016 là “dấu hiệu đấu tranh tích cực”.
Sau phát biểu của đại biểu Cầu, có hai tấm bảng giơ lên để phản biện. Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng “Có những vụ việc theo tôi hiểu là đại biểu Hiền muốn nêu lên để thấy những hạn chế còn bất cập ở ngành tư pháp nói chung”. Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) khẳng định: “Tại diễn đàn Quốc hội này thì trước tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm, các vị đại biểu Quốc hội nắm bắt được bằng nhiều kênh khác nhau, đại biểu có quyền và có trách nhiệm phản ảnh với Quốc hội”.
Đồng nghiệp của tôi, một phóng viên nghị trường kỳ cựu, lần đầu tiên trong nhiều năm qua ghi nhận một phiên họp Quốc hội có sự tranh luận quyết liệt giữa đại biểu với đại biểu đến vậy.
Đúng như anh nói, hoạt động nghị trường luôn trong tình trạng “nóng”. Quốc hội đã dành 3 ngày (nhiều hơn 0,5 ngày so với các kỳ họp trước đây) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV có 58 lượt đại biểu Quốc hội đã tham gia tranh luận với 12 thành viên của Chính phủ, bằng gần 30% tổng số lượt đại biểu Quốc hội chất vấn (196 lượt)…
Sự tranh luận đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể.
Tăng tính công khai, minh bạchKhác với các phiên chất vấn trước đây, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã dành gần trọn một buổi làm việc để Thủ tướng Chính phủ trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm. Điều đáng chú ý nữa là phần tranh luận, trả lời luôn có “lửa”.
Điển hình như, trước băn khoăn của đại biểu liệu rằng, một số vụ án tham nhũng có bị “chìm xuồng” không, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng. Hay tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về vấn đề nợ công, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng là hiệu quả của đầu tư công. Bởi lẽ, vấn đề về số vốn chỉ là bên ngoài còn linh hồn chính là hiệu quả của đầu tư công bởi nợ công không xấu mà đầu tư không hiệu quả mới thiệt hại kép…
Bên cạnh đó, tính tranh luận, phản biện, dân chủ giữa các đại biểu được thể hiện rõ nét không chỉ ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn mà tại các phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã dùng quyền giơ bảng để tranh luận. Việc tăng thời gian các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã giúp có thêm nhiều đại biểu được trao đổi, nêu quan điểm, đề xuất các phương án giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) đã để lại ấn tượng với phát ngôn về vấn đề chống tham nhũng. “Anh đã tham nhũng tài sản thì những thứ đó chẳng nhẽ có cánh mà bay được. Nó chỉ nằm trong nhà, tài sản của người thân, người bà con, người thân quen... của người tham nhũng chứ chẳng đi đâu được”. Hay như đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã phát ngôn ấn tượng: “Cần nhìn vụ Đồng Tâm như một cuộc khủng hoảng lòng tin chứ không thuần túy là vụ án hình sự".
Một năm đã qua, hoạt động nghị trường đã khép lại, mở ra một năm mới với những kỳ họp mới, nhưng hẳn sẽ còn nhiều điều cử tri chưa thật sự thỏa mãn, chưa thật an tâm, vẫn còn nhiều nỗi lo về vấn đề tham nhũng, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, thiên tai; sai phạm trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ra, cần phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh hơn để khắc phục những hạn chế yếu kém, tạo chuyển biến thiết thực trong thời gian tới.
Một mùa Xuân mới lại về mang theo niềm tin và hy vọng. Điều cử tri quan tâm, kỳ vọng hơn là những quyết sách của Quốc hội sẽ đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Trên mọi nẻo đường, cử tri sẽ luôn dõi theo, “chấm điểm” công bằng với từng lời hứa đã đưa ra tại Nghị trường….
THANH HUYỀN