Thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế
Kể từ năm 1919, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã và đang duy trì và phát triển một hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đặt ra các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, các tiêu chuẩn lao động quốc tế trở thành một cấu phần quan trọng của khung khổ quốc tế nhằm bảo đảm rằng tự do thương mại đi đôi với việc bảo vệ các quyền lao động cơ bản được đề cập tới trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức ILO, bao gồm 7 trong tổng số 8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu việc gia nhập thêm các công ước của ILO phù hợp với yêu cầu, điều kiện và thực tiễn kinh tế xã hội của Việt Nam, theo Bản Ghi nhớ được ký kết ngày 20/5/2022, giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) với Tổ chức ILO.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dẫn đầu trong số các nước ASEAN trong việc thúc đẩy tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp nâng tầm xã hội – một yếu tố cần thiết để Việt Nam có thể hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao.
Ông Chang-Hee Lee
Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam
Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác nhằm thúc đẩy việc gia nhập và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam thông qua một khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐTB&XH và Văn phòng ILO Việt Nam. Nội dung hợp tác bao gồm nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn lao động quốc tế, tăng cường nội luật hóa, thực thi các công ước của Tổ chức ILO mà Việt Nam đã gia nhập; thúc đẩy năng lực quốc gia thực hiện và báo cáo việc thực thi các công ước đã phê chuẩn, theo dõi, đánh giá việc thực thi, và đề xuất đưa ra các khuyến nghị gia nhập thêm các công ước khác.
Trong Thông cáo báo chí được Văn phòng ILO Việt Nam phát đi ngày 20/5/2022, tại Lễ ký kết này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã khẳng định, Bản Ghi nhớ là một tiền đề quan trọng đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Bộ LĐTB&XH và Văn phòng ILO Việt Nam để thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và xã hội. Đồng thời khẳng định việc hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến lao động.
Đồng tình với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, ông Chang-Hee Lee, cho rằng, việc ký kết Bản Ghi nhớ thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm hiện đại hóa pháp luật lao động và xã hội theo hướng phù hợp với các nguyên tắc phổ quát được đề cập trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức ILO.
Thúc đẩy quyền của người lao động di cư
Không chỉ bảo vệ quyền của lao động trong nước mà việc bảo đảm quyền của người lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài được Đảng ta xác định là trách nhiệm của Nhà nước với công dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài” nhằm bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Điều đó đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như niềm tin yêu của người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước. Đây cũng là động lực khuyến khích sự đóng góp của đồng bào ở xa Tổ quốc vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tổ chức ILO trong Công ước số 98 năm 1949 và Công ước số 143 năm 1975 về LĐDC bước đầu đã thể chế hóa quyền của lao động di trú. Trên cơ sở đó, Liên hiệp quốc đã ban hành Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990. Công ước này đã có những quy định cụ thể về quyền làm việc của lao đọng di cư tại các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền làm việc của lao động di cư trong thực tế.
Ở nước ta, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người lao động di cư theo tiêu chuẩn quốc tế.
Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác bảo hộ công dân. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức di cư quốc tế (International Organization for Migration) từ tháng 11/2007 và tham gia tích cực các hoạt động của ILO cũng như các diễn đàn quốc tế, trong nước trên lĩnh vực này.
Việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc gần đây và đảm nhận thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lần thứ 2 cho thấy các nước rất coi trọng vị thế quốc tế của Việt Nam. Khi lãnh đạo Việt Nam phát biểu tại các diễn đàn này. Điều đó không chỉ thể hiện tiếng nói của Việt Nam, mà còn là của các nước đang phát triển.
GS. Carl Thayer Nhà nghiên cứu Quốc tế (Đại học South Wales - Australia)
Tại Hội thảo Hợp tác thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho lao động di cư nữ được tổ chức ngày 14/11/2022, bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH) cho biết, di cư lao động an toàn là vấn đề quan tâm chung của Việt Nam, của Tổ chức ILO và các đối tác quốc tế. Nhất là di cư an toàn cho lao động nữ; lao động nữ di cư gặp rất nhiều thách thức trong quá trình làm việc ở nước ngoài, nhất là về cơ hội việc làm có mức lương tương ứng, thích hợp, có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại cũng như khó tiếp cận các dịch vụ xã hội.
“Với vai trò là cơ quan chủ quản về những vấn đề lao động và bình đẳng giới của Việt Nam, Bộ LĐTB&XH đã luôn quan tâm hướng tới việc thúc đẩy lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm bảo vệ, thúc đẩy quyền của lao động di cư, để lao động di cư có cuộc sống an toàn”, bà Đức khẳng định.
Những nỗ lực trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực lao động - xã hội một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc lấy con người làm trug tâm của sự phát triển. Đúng như đánh giá của bà Ramla Al Khalidi, đại diện thường trú tại Việt Nam của Chương trình phát triển Liên hợp quốc, rằng: “Tôi thực sự cảm thấy Việt Nam đã thực hiện những cam kết của Chính phủ về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của Liên hợp quốc. Đây là cốt lõi của các mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc cốt lõi là không bỏ lại ai phía sau”.