Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đặt tên đường Tạ Quốc Luật - người bắt sống tướng De Castries

Tào Đạt -Minh Quân - 06:10, 07/05/2024

Chiều 6/5, tại Tp. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ gắn biển tên đường Tạ Quốc Luật. Đây là một trong số các sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Các đại biểu dự lễ gắn tên đường Tạ Quốc Luật
Các đại biểu dự lễ gắn tên đường Tạ Quốc Luật

Tham dự buổi lễ có Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Điện Biên và gia đình, người thân của Anh hùng Tạ Quốc Luật.

Tri ân người góp công vào chiến thắng vĩ đại

Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã sát vai chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất nơi chiến hào. Trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, quân và dân ta đã vượt lên mưa bom, bão đạn để cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát (De Castries).

Một trong những chiến sĩ góp công vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc có Anh hùng Tạ Quốc Luật, người con của quê lúa Thái Bình.

Ông Tạ Quốc Luật gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 14/8/1945 và được kết nạp vào Đảng ngày 6/1/1949. Ông đã trực tiếp tham gia hơn 20 chiến dịch, với trên 100 trận đánh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, ngày 7/5/1954, ông Tạ Quốc Luật dẫn đầu một tổ xung kích gồm 5 chiến sĩ tiến vào Sở Chỉ huy quân Pháp để bắt sống tướng Đờ Cát và bộ tham mưu của địch tại cứ điểm Điện Biên Phủ.

Với những chiến công trên, ông được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 16/12/2004.

Con đường mang tên Anh hùng Tạ Quốc Luật nằm ngay cạnh hầm Đờ Cát, nơi ghi dấu chiến công của ông và các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, quên mình vì hòa bình, độc lập tự do cho Tổ quốc.

Tuyến đường được gắn biển sẽ nhắc nhở mỗi người dân Điện Biên nói riêng, Nhân dân và du khách nói chung về công lao, cống hiến của các thế hệ cha anh đối với độc lập, tự do của dân tộc và để nhớ về một thời gian khổ nhưng vô cùng vinh quang với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên gắn biển tên đường Tạ Quốc Luật
Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên gắn biển tên đường Tạ Quốc Luật

Chủ tịch UBND Tp. Điện Biên Nguyễn Quang Hưng cho biết, ngày 15/4, HĐND tỉnh Điện Biên đã ban hành nghị quyết về việc đặt tên đường và điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối 6 tuyến đường đã được đặt tên trên địa bàn Tp. Điện Biên Phủ, trong đó có đặt tên đường Tạ Quốc Luật.

"Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình độc lập nhưng tên tuổi Tạ Quốc Luật mãi mãi được ghi nhận trong trang sử vàng oanh liệt của dân tộc, của Quân đội Nhân dân và trong niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Ông là tấm gương sáng cho bao thế hệ nơi đây học tập và noi theo", lãnh đạo tỉnh Điện Biên khẳng định.

Để luôn tưởng nhớ và tri ân công lao của Anh hùng Tạ Quốc Luật, tỉnh Điện Biên đã đặt tên đường mang tên ông. Tuyến đường Tạ Quốc Luật vừa được tỉnh đầu tư nâng cấp có chiều dài 1.110m; mặt cắt đường 13,5m, điểm đầu từ ngã ba cầu Mường Thanh, điểm cuối tiếp giáp ngã ba đi xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Thay mặt gia đình, cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, tỉnh Điện Biên, bà Tạ Thanh Bình (con gái đầu của Anh hùng Tạ Quốc Luật) bày tỏ biết ơn sâu sắc đến các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh để góp phần tạo nên trận đánh cuối cùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

"Bố tôi là người may mắn được tham gia trận đánh đó và đã hoàn thành nhiệm vụ, để gia đình chúng tôi có được niềm vui và vinh dự như hôm nay", bà Bình nói.

Những ký ức không quên

Trao đổi với báo chí, Đại tá Tạ Quốc Vinh (con trai út của Anh hùng Tạ Quốc Luật, hiện đang công tác tại Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) không khỏi bồi hồi nhớ đến những hồi ức được nghe cha kể về Điện Biên Phủ.

“Vừa rồi, cũng vào một chiều tháng 5, khoảng 17h30, tôi được lên đây trước, khi một mình đứng nhìn con đường dự kiến gắn tên bố tôi, nhìn cầu Mường Thanh, hầm Đờ Cát, trong lòng tôi dâng lên một niềm vui, nhưng nước mắt cứ trào ra vì nhớ bố", Đại tá Tạ Quốc Vinh tâm sự.

Đại tá Tạ Quốc Vinh
Đại tá Tạ Quốc Vinh

Đại tá Tạ Quốc Vinh cho biết, ông cũng như các chị, các em luôn noi gương người cha mẫu mực suốt một đời tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, luôn hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đại tá Tạ Quốc Minh (con trai thứ hai của Anh hùng Tạ Quốc Luật) cho biết, gia đình ông có truyền thống trong quân ngũ. "Cụ tôi là Tạ Hiện, có công đánh đuổi giặc Tây... Cha tôi sinh được 4 người con, trong đó 3 người con trai đều công tác trong Quân đội. Các con phố Tạ Hiện ở Hà Nội và Thái Bình được đặt theo tên của cụ tôi. Hôm nay vinh dự có thêm con đường mang tên cha tôi", ông Minh xúc động nói.

Ông Tạ Quốc Minh chia sẻ thêm: "Trong tâm tưởng anh chị em chúng tôi, cha là một người mẫu mực, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Cha mẹ tôi cưới nhau vào ngày 27/7/1951 tại Tuyên Quang. Đến ngày 28/7, cha tôi phải đi chiến trường. Trước khi đi ông làm bài thơ tặng mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Nghĩa): Bốn phương non nước mịt mù / Thôi em lui bước đến giờ anh đi / Đừng khóc nữa nín đi em / Để cho lệ khỏi làm hoen má hồng / Nam nhi quyết chí tang bồng /Để anh vững bước theo cùng người ta / Nam nhi đâu cũng là nhà / Dẫu cho đừng để phôi pha lời thề / Đừng khóc nữa nín đi em / Trong giây phút phân kỳ em hãy cười lên nhé cho yên lòng anh đi".

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.