Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dặt dìu tiếng then

PV - 18:05, 31/01/2023

Lục Ngạn (Bắc Giang) là “thủ phủ trái cây” ở miền Bắc với nhiều loại trái ngọt nức tiếng. Nơi đây còn được biết đến là nơi lưu giữ những điệu then say đắm lòng người, để rồi những ai khi đặt chân đến luôn vấn vương, xao xuyến.

Nghệ nhân Ưu tú Lục Xuân Tích truyền dạy hát then cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn
Nghệ nhân Ưu tú Lục Xuân Tích truyền dạy hát then cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn

Truyền nhau câu hát

Khi những cây đào rừng chớm nảy chồi non, báo hiệu mùa Xuân sắp tới cũng là lúc Nghệ nhân Ưu tú Lục Xuân Tích lên kế hoạch cho Câu lạc bộ (CLB) Hát then xã Sơn Hải tập luyện chương trình biểu diễn, giao lưu dịp đầu Xuân. Anh Tích (dân tộc Nùng, SN 1977) có năng khiếu văn nghệ, đam mê hát then từ nhỏ. Từ năm 2003, anh tham gia hát then cùng các nghệ nhân bằng hình thức truyền khẩu, tự ứng tác trong các cuộc hát. Anh tự sưu tầm sách hát, học hỏi các nghệ nhân cao tuổi. Năm 2014, anh quy tụ các hạt nhân văn nghệ, đề xuất UBND xã thành lập CLB Hát then, đàn tính xã Sơn Hải với 46 thành viên do anh làm chủ nhiệm. Thời gian đầu, CLB mời các nghệ nhân nổi tiếng về truyền dạy. Sau khi nắm được kỹ năng cơ bản, ngoài sưu tầm các điệu then cổ, anh tự sáng tác và phổ biến cho thành viên trong CLB. Mới đây, anh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

CLB Hát then xã Phì Điền có gần 40 thành viên là người dân tộc Tày, trong đó hơn 10 em lứa tuổi học sinh. Gần 10 năm trước - thời điểm mới thành lập, CLB chỉ có hơn 10 người với vài cây đàn tính, việc học hát gặp khó khăn. Được các nghệ nhân truyền dạy, đến nay hầu hết thành viên CLB thuộc hàng chục điệu then cổ bằng tiếng Tày và biết chơi đàn tính. Cũng vì đam mê câu hát, mọi người tự bỏ tiền mua sắm trang phục, đàn (mỗi cây đàn tính từ 2 - 5 triệu đồng, tùy loại). "Cứ vào thứ Bảy, Chủ nhật, chúng tôi lại sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn", chị Bùi Thị Hợp, Chủ nhiệm CLB nói.

Huyện Lục Ngạn hiện có 6 CLB hát then, mỗi CLB từ 30 - 50 thành viên, tập trung ở những xã có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng như: Biển Động, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải... Then được chia thành 2 loại: Then nghi lễ và then văn hóa, văn nghệ. Then nghi lễ mang đậm màu sắc tín ngưỡng. Thầy then thường được mời thực hiện các nghi lễ: Cầu an, sinh nhật, giải hạn, nhà mới, gửi con, cúng tổ tiên, cầu mùa...

Then trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày qua hoạt động lao động, sản xuất, dịp lễ hội, giao lưu, hội thi, hội diễn. Điểm đặc sắc của then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, đôi lứa, nghĩa vợ chồng, đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương... Huyện Lục Ngạn hiện có 11 nghệ nhân nòng cốt thường xuyên tham gia thực hành then.

Các nghệ nhân tại một liên hoan nghệ thuật hát Then. (Ảnh: TƯ LIỆU)
Các nghệ nhân tại một liên hoan nghệ thuật hát Then. (Ảnh: TƯ LIỆU)

Giữ cho muôn đời sau

Năm 2019, di sản thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xác định bảo tồn, phát huy giá trị của di sản có ý nghĩa quan trọng, hằng năm Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Ngạn phối hợp mở các lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho thành viên CLB, đồng thời cử nhiều nghệ nhân tham gia các lớp bồi dưỡng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Ông Lãnh Văn Tập - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện cho biết, các CLB tổ chức truyền dạy then, UBND huyện đều hỗ trợ kinh phí từ 3 - 5 triệu đồng để khích lệ, động viên. Vào dịp đầu Xuân, huyện thường xuyên tổ chức hội thi, giao lưu hát dân ca các dân tộc thiểu số. Ở những hội thi ca - múa - nhạc dân gian do tỉnh tổ chức, huyện Lục Ngạn đều mang đến các tiết mục hát then, coi đó như "đặc sản" quê hương.

Không chỉ trong cộng đồng, nhiều trường học mời nghệ nhân về dạy hát then cho học sinh. Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn, 3 năm qua tổ chức nhiều lớp dạy hát then. Em Luân Thị Ngọc Hoài - lớp 8A, thành viên CLB cho biết: “Từ lúc 5 tuổi, em thường được đi xem người lớn biểu diễn then. Nay được các nghệ nhân truyền dạy, em đã thuộc và trình diễn hơn 10 điệu then cổ, chơi đàn tính thành thạo”.

Mùa cam, bưởi năm nay, UBND huyện lựa chọn những hợp tác xã tiêu biểu, điển hình có vườn quả đẹp để giới thiệu, mời gọi khách tham quan, trải nghiệm. Ngoài được thưởng thức những trái ngọt tại vườn, tại các điểm còn bố trí tổ hát then phục vụ du khách. Những điệu then say đắm, dặt dìu như muốn níu kéo, giữ chân du khách.

Mới đây, UBND huyện Lục Ngạn ban hành Đề án Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện chỉ đạo 100% xã, thị trấn, trường học phối hợp, duy trì dạy tiếng nói, lời ca tiếng hát cho các thành viên CLB hát dân ca dân tộc trên địa bàn, trong đó có then; thành lập đội văn nghệ quần chúng tại các thôn, tổ dân phố.

Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: Thực hiện đề án, huyện sẽ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tôn vinh người am hiểu, có công bảo tồn, phát huy các giá trị di sản then trong cộng đồng. Tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan dân ca các dân tộc. Ngành Giáo dục huyện tăng cường đưa nghệ thuật hát then, đàn tính vào giảng dạy ngoại khóa, đặc biệt là ở địa phương có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.