Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế: Hiệu quả thấy rõ

PV - 14:30, 13/01/2018

Năm 2017, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bình Định đã có những chuyển biến tích cực khi gắn với nhu cầu lao động và định hướng phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Song bên cạnh đó, vẫn tồn tại những hạn chế trong nhận thức về phân cấp đào tạo nghề, xây dựng mô hình đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm.

Nhiều lao động học nghề may gia công đã được bố trí việc làm, có thu nhập ổn định. Nhiều lao động học nghề may gia công đã được bố trí việc làm, có thu nhập ổn định.

 

Đào tạo đến đâu, tạo việc làm đến đó

Huyện Hoài Ân được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi heo của tỉnh Bình Định nhưng lâu nay, người dân vẫn nuôi heo theo kinh nghiệm mà không có kỹ thuật chăn nuôi. Những năm gần đây, do tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên người dân có nhu cầu học nghề để nắm vững kiến thức chăn nuôi và phòng bệnh.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hoài Ân chia sẻ: “Năm 2017, giá heo xuống thấp, cứ ngỡ là không có người đăng ký học nghề nuôi và phòng bệnh cho heo. Vậy mà, chị em ở các xã Ân Tường Đông, Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông đăng ký rất đông. Tâm sự của các chị là muốn học kỹ thuật chăm sóc để chủ động và tiết kiệm phần nào chi phí trong phòng và chữa bệnh cho vật nuôi. Nhiều chị tâm sự, học xong là nhận biết bệnh ở heo tốt hơn và có thể tự tiêm, điều trị cho heo”.

Còn tại xã miền núi An Hòa, huyện An Lão có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy nên rất khó khăn. Nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con, địa phương đã tập trung xây dựng được mô hình đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm khá hiệu quả.

Điển hình như mô hình liên kết may gia công, do Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã An Hòa và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Hội LHPN tỉnh phối hợp thực hiện. Đến nay, toàn xã có khoảng 20 cơ sở may gia công tại nhà, thu hút 100 lao động địa phương và vùng lân cận. Thu nhập bình quân từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đinh Thị Gửi, đang may gia công cho một cơ sở may của xã chia sẻ: “Trước đây ở nhà, quanh năm đi rừng đi rẫy nhưng không đủ ăn, từ khi được học nghề may và được giới thiệu việc làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng, tôi đã có thể trang trải cho cuộc sống gia đình”.

Cũng chú trọng vào việc giới thiệu tạo việc làm, năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX TX An Nhơn đã giới thiệu 166 lao động nông thôn học nghề may, điện, hàn vào làm việc tại các công ty may trên địa bàn, đơn vị xây lắp điện, Công ty CP Xây dựng 47. Ngoài ra, 94 lao động học nghề kỹ thuật chế biến món ăn tại xã Nhơn Hậu và Nhơn Thọ đã được hướng dẫn thành lập các tổ dịch vụ. Hình thức đào tạo trực tiếp tại DN cũng được triển khai cho 355 lao động tại Công ty CP May An Nhơn, Công ty CP May Tiên Hòa.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Công tác đào tạo nghề đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do khả năng giải quyết việc làm tại chỗ của một số địa phương còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả đào tạo nghề chưa cao. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho hay: Huyện có 4 cụm công nghiệp nhưng chưa thu hút được doanh nghiệp, nên khả năng giải quyết việc làm cho người lao động học các nghề liên quan đến lĩnh vực công nghiệp còn yếu. Hiện chỉ mới có Nhà máy may Hoài Ân đã đi vào hoạt động, song lại đang gặp khó khăn và mới chỉ vận hành được 1 trong tổng số 4 dây chuyền.

Bên cạnh đó, những năm qua, việc phân bổ kinh phí đào tạo nghề còn chậm, thường rơi vào giữa năm cũng gây khó khăn trong việc hình thành các lớp nghề. Ông Tăng Văn Trương, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân trao đổi: Năm 2017, huyện rất muốn mở các lớp liên quan đến cây trồng phù hợp với các định hướng tái cơ cấu cây trồng của huyện. Tuy nhiên, vì kinh phí muộn, thời điểm mở lớp không còn phù hợp, đành phải dời kế hoạch mở các lớp nghề: kỹ thuật trồng rau sạch cho bà con xã Ân Phong; kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho bà con xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây vào năm 2018”.

Hiện nay, một số địa phương quan niệm chưa đúng về phân cấp quản lý đào tạo nghề cũng là việc đáng lo ngại. Cụ thể trong năm 2017, có 3 Trung tâm Dạy nghề tại huyện Tây Sơn, Phù Mỹ và TX An Nhơn được sáp nhập vào Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp, đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX trực thuộc huyện, thị xã.

Các Trung tâm GDTX-Hướng nghiệp ở các địa phương khác cũng bổ sung chức năng đào tạo nghề và đổi tên tương tự. Vì trung tâm có chức năng đào tạo nghề nên một số huyện có tư tưởng giao hẳn công tác dạy nghề lao động nông thôn cho các trung tâm. Như huyện Phù Mỹ đã bàn giao thẳng kinh phí về cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX huyện.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH Bình Định cho biết: “Ðiều này là đi ngược lại với chủ trương của tỉnh. Hướng dẫn hằng năm của Sở LÐ-TB&XH chỉ rõ là, Phòng LÐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT huyện là đơn vị quản lý nhà nước đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp, là đơn vị đứng ra ký hợp đồng đối với cơ sở đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu. Không thể giao hẳn cho trung tâm có chức năng đào tạo nghề cấp huyện, vì như vậy đánh mất tính cạnh tranh trong đào tạo, dẫn đến khó nâng cao chất lượng đào tạo”

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.