Điển hình như năm 2017, Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đăk Lăk đã chủ động liên hệ với các đối tác mở được 3 lớp dạy nghề gồm mây-tre đan, trồng và chăm sóc cây cà phê và may dân dụng. Cấp chứng chỉ cho 105 học viên, tổng số tiền công chi trả cho học viên theo ngày công lao động trên 135 triệu đồng, tiền công học viên được hưởng theo giá sản phẩm làm ra từ gia công ghế nhựa, may mặc trên 160 triệu đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở phối hợp với các đơn vị mở thêm 2 lớp đào tạo nghề (cho 70 học viên).
Học viên được học những nghề sát với yêu cầu thực tế để khi trở về địa phương có cơ hội tìm việc làm như: thủ công mỹ nghệ mây tre đan, gia công ghế nhựa, may mặc, trồng và chăm sóc cây công nghiệp dài ngày. Những nghề này vừa phù hợp với khả năng, hữu ích với học viên, trong quá trình học nghề, học viên còn có thêm thu nhập từ kết quả các sản phẩm làm nghề nên rất vui vẻ. Kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề để sau này trở về địa phương có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Chìm đắm trong ma túy suốt thời gian dài, anh Đinh Hoàng T. ở xã Ea Na, huyện Krông Ana tưởng chừng cả đời này không thoát khỏi được làn khói trắng đó. Vì e ngại, gia đình anh tìm nhiều cách giúp anh cai nghiện tại nhà không thành công. Năm 2015, người thân quyết định đưa anh vào cơ sở cai nghiện, nuôi niềm hy vọng anh sẽ cắt đứt hoàn toàn ma túy để trở về cuộc sống bình thường.
Cai nghiện thành công, lại được học nghề chăm sóc cây công nghiệp dài ngày xen canh cây ăn quả nên trở về nhà, anh T. bắt tay ngay vào phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có kiến thức, kỹ thuật mà vườn cây cà phê xen canh cây ăn quả của anh cho thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều hoạt động xã hội và là đoàn viên nhiệt tình với công tác đoàn ở địa phương.
Ông Võ Phú Hùng, Giám đốc Cơ sở cho biết: Quá trình điều trị ban đầu theo phác đồ của Bộ Y tế, đến khi học viên ổn định tâm sinh lý mới phân về các tổ đội phù hợp với sức khỏe, nhận thức của từng người. Sau đó, cán bộ phụ trách lập kế hoạch tư vấn, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm cai nghiện. Để học viên bớt đi mặc cảm, tự ti giáo viên phải gần gũi, cảm thông, chia sẻ.
Điều khó khăn nhất của Cơ sở là số lượng học viên tìm đến cơ sở ngày càng tăng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, cơ sở tiếp nhận 143 học viên mới đến điều trị, cai nghiện ma túy, trong đó, 55 học viên cai nghiện bắt buộc, 20 học viên thuộc đối tượng xã hội và 68 học viên cai nghiện tự nguyện. Số học viên tăng tạo nhiều áp lực trong công tác quản lý, vì đội ngũ cán bộ thiếu, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp nhiều mảnh đời lỡ sa chân vào con đường nghiện ngập trở về cuộc sống đời thường.
LÊ HƯỜNG