Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Đạo hiếu” mùa Vu Lan

Tiêu Dao Minh Ngọc - 10:03, 15/08/2022

Mỗi mùa Vu Lan là một lần nhắc nhớ mỗi chúng ta bài học sâu sắc về chữ “hiếu” thiêng liêng, nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Những ai mà cài được hoa hồng trên ngực áo trong mùa Vu Lan này thì hãy nhớ rằng ta là người hạnh phúc nhất trong cuộc đời này. (ảnh Chí Thành)
Những ai mà cài được hoa hồng trên ngực áo trong mùa Vu Lan này thì hãy nhớ rằng ta là người hạnh phúc nhất trong cuộc đời này. (ảnh Chí Thành)

Tháng 7 về, người người, nhà nhà khắp nơi đều rộn rã chuẩn bị cho mùa Vu Lan báo hiếu. Người Việt vốn xem trọng chữ hiếu, và chữ hiếu luôn được cắt nghĩa một cách rộng rãi chứ không dừng lại trong khuôn mẫu ứng xử. Hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ không phải chỉ ở lời nói mà cả trong nhận thức, suy nghĩ và đặc biệt là hành động.

Rằm tháng 7 có 2 lễ lớn đó là lễ Vu Lan và lễ xá tội vong nhân. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, đã gặp mảnh đất màu mỡ, đó là những giá trị văn hóa ngàn đời của người Việt Nam. Những giá trị của bề dày và chiều sâu văn hóa Việt Nam lại gần gũi với tư tưởng của đạo Phật, vậy nên Phật giáo ăn sâu, bén rễ trong lòng dân tộc. Đức Phật dạy các phật tử rằng muốn báo hiếu bố mẹ thì cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và làm lễ xá tội vong nhân để cúng cho linh hồn đang còn vất vưởng không nơi nương tựa. Điều đặc biệt có lẽ ở chỗ, lễ Vu Lan cũng là mùa xá tội vong nhân trong quan niệm của Phật giáo, được kết hợp với tín ngưỡng dân tộc và cả tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người. Thế nên khi cúng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì bao giờ người ta cũng tiến hành nghi lễ với cả những “cô hồn”.

Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật Giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của toàn thể những người dân đất Việt. Và chữ hiếu cũng được cả dân tộc ta tôn vinh tự ngàn xưa, như là một trong những giá trị đạo đức cá nhân quan trọng nhất và đề cao, nâng lên thành “đạo hiếu”. Lâu nay, người ta thường nghĩ đạo hiếu là đạo của gia đình, của những người con - đối với cha mẹ - trong gia đình. Nó vừa là một thứ tình cảm (thể hiện thành hành động) vừa là một quy tắc ứng xử giữa hai đối tượng - cha mẹ và con cái trong gia đình. Nhưng, đạo hiếu qua ngàn năm đã trở thành một trong những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Lễ Vu Lan báo hiếu có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.

Nhìn lại lịch sử dân tộc, sở dĩ chúng ta không mất bản sắc, không bị đồng hoá cũng chính là do đạo hiếu dạt dào sâu thẳm trong con tim, trong mỗi cuộc đời. Cho nên, dường như mùa Vu Lan không chỉ bó hẹp trong việc kính thành với cha mẹ, mà còn rộng ra với tổ tiên cha ông, với những anh hùng dân tộc và những người có công với nước. Chữ hiếu, đạo hiếu chính là nền tảng, không chỉ của gia đình mà còn của đất nước, thậm chí là cả tôn giáo. Đây đã trở thành lễ hội văn hóa không chỉ riêng của phật tử mà còn là của Nhân dân dành để tri ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đây chính là sự kết hợp độc đáo giữa nền văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân, báo hiếu của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Mùa Vu Lan không chỉ bó hẹp trong việc kính thành với cha mẹ, mà còn rộng ra với tổ tiên cha ông, với những anh hùng dân tộc và những người có công với nước
Mùa Vu Lan không chỉ bó hẹp trong việc kính thành với cha mẹ, mà còn là dịp để tri ân tổ tiên, tri ân những anh hùng dân tộc và những người có công với nước

Thời hiện đại, khi mạng xã hội và nhiều thứ khác cuốn mỗi người đi với công việc, hay những trò vui. Chữ hiếu, đạo hiếu tưởng chừng đã nguội dần trong huyết quản mỗi người. Thực sự vẫn có những chuyện buồn trong mùa báo hiếu, như câu chuyện đăng tải trên mạng xã hội mới đây về chuyện ba người con gái tranh cãi nhau khi chăm mẹ trong bệnh viện, những chuyện con cái bạo hành hay bỏ mặc cha mẹ. Rồi mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa Vu Lan là mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh, status báo hiếu, tưởng nhớ công ơn cha mẹ của những người con. Tuy nhiên, đằng sau hàng ngàn lượt like và chia sẻ trên mạng ảo ấy là một góc nhìn khác về đạo hiếu đáng suy ngẫm. Công nghệ số ảo dường như đang giúp cho con người ta báo hiếu với cha mẹ, người thân dễ dàng hơn. Một bộ phận con cái thay vì trực tiếp về nhà thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ ngoài đời thực thì lại chỉ việc báo hiếu trên mạng ảo. Lễ Vu Lan là dịp để nhắc nhở mỗi người nghĩ về đạo hiếu đối với cha mẹ. Và sự hiếu thuận ấy cần được chúng ta thể hiện thật sự mỗi ngày chứ không phải qua những hình ảnh, lời nói câu like, ca tụng trên mạng ảo.

Nhưng, vẫn còn đó hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện đẹp thấm đấm tình người, thấm đẫm tình yêu thương gia đình. Như câu chuyện về cậu bé miền tây tên Nguyễn Hữu Chính ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ. Cách đây 2 năm trong một tai nạn bất ngờ trên ghe đang neo đậu thì bình gas phát nổ, cậu bé đã quyết định quay lại cứu mẹ nuôi dù biết có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tiếc rằng, người mẹ nuôi đã không qua được cơn nguy kịch, còn Chính bị bỏng nặng tới 96% cơ thể. Khi biết bà không qua khỏi, em khóc suốt 2 ngày. Đến nay, mỗi lần nhớ đến mẹ nuôi, em lại khóc, ray rứt vì không cứu được bà. Suốt 2 năm qua, Chính đã trải qua hơn 20 cuộc đại phẫu thuật tạo hình, ghép da, phục hồi cử động. Hay như chị Lâm Trúc Kim (89/4 Gia Phú Phường 1, quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Chị không lập gia đình, một mình chăm sóc mẹ già yếu và ba anh em bị dị tật lùn, kinh tế gia đình khó khăn, cả nhà sống bằng nghề bán vé số. Mẹ chị năm nay đã gần 80 tuổi, bị bệnh tiểu đường và đãng trí. Vượt qua mọi khó khăn, chị Kim đã tận tình chăm lo cho mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ.

Mùa Vu Lan là sự kết hợp độc đáo giữa nền văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân báo ân của văn hóa dân tộc Việt Nam
Mùa Vu Lan là sự kết hợp độc đáo giữa nền văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân báo ân của văn hóa dân tộc Việt Nam

Những câu chuyện ấy, không chỉ là đạo hiếu diễn ra trong mùa Vu Lan, mà diễn ra hằng ngày hàng giờ, ở rất nhiều nơi trên đất nước này. Những câu chuyện rất đỗi bình dị và đời thường, lại có sức “lay động” vô cùng. Bởi đối với đạo hiếu, điều quan trọng nhất là xuất phát từ chính trái tim mình.

Mùa Vu Lan, tất cả mọi người đều có những người cha, người mẹ, sẽ thật khó để nói lên những từ “con yêu mẹ cha” nhưng đó không phải là lý do để chúng ta gạt phăng tình cảm của mình dành cho họ. Hôm nay, hãy thử gọi điện nói chuyện với cha mẹ lâu hơn thường ngày, hãy cùng cha mẹ nấu một vài món ăn và quây quần bên mâm cơm thay vì những ngày bận rộn chẳng về nhà, hay hãy dành cho đấng sinh thành một món quà nào đó bất ngờ chẳng hạn… Có những thứ tình cảm không nhất thiết cứ phải thể hiện bằng lời…bởi lẽ khi con người ta yêu thương nhau, tự tâm hồn chúng ta sẽ cảm nhận được. Người ta vẫn hay nói: “Trái tim người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở đáy ta sẽ tìm được lòng yêu thương và sự tha thứ vô bờ”, thế đấy, cả đời cha mẹ chỉ biết sống vì con cái. Hãy yêu thương khi họ vẫn còn đang hiện hữu vì khi mất đi rồi ta biết tìm kiếm nơi đâu.

Những ai mà cài được hoa hồng trên ngực áo trong mùa Vu Lan này hãy nhớ rằng ta là người hạnh phúc nhất trong cuộc đời này. Bởi khi những bông hoa trắng đã được cài, thì cơ hội được gọi được nói “Mẹ ơi! Con thương mẹ nhiều lắm!” sẽ là điều không thể!

Cuộc sống sẽ luôn tấp nập và xô chúng ta đến một chân trời nào đó cũng chẳng rõ, nhưng cha mẹ vẫn mãi là bến bờ yêu thương, là điểm tựa vững chắc. Vì thế, nếu có thể, hãy biến mọi ngày trong năm đều là ngày Vu Lan báo hiếu. Vì suy cho cùng, chúng ta chẳng thể sống mãi bên cạnh mẹ cha, hãy biết trân quý những phút giây quý giá khi còn có thể.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).