Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng tổ dân phố, khu nhà trọ

PV - 20:19, 16/09/2021

Bình Dương cần đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng tổ dân phố, khu phố, để kiểm soát tình hình dịch bệnh hiệu quả, bền vững sau khi trở lại trạng thái bình thường mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kinh nghiệm đáng quý nhất của Bình Dương là giữ được vùng xanh để làm “bàn đạp” từng bước làm sạch, thu hẹp các vùng đỏ, điểm đỏ. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kinh nghiệm đáng quý nhất của Bình Dương là giữ được vùng xanh để làm “bàn đạp” từng bước làm sạch, thu hẹp các vùng đỏ, điểm đỏ. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chiều 16/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương và làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh.

Hoàn thành xét nghiệm, bóc tách F0 trong 3 ngày nữa

Tỉnh Bình Dương đã tổ chức xét nghiệm 3 đợt diện rộng nhằm bóc tách nhanh người nhiễm COVID-19 (F0) ra khỏi cộng đồng. Theo đó, đợt 1 (từ ngày 17/7) đã xét nghiệm 1,4 triệu lượt người phát hiện 13.567 F0 trong cộng đồng, tỉ lệ 0,98%; đợt 2 (từ ngày 2/8) và hiện đang triển khai đợt 3 đã xét nghiệm 5,3 triệu lượt người, phát hiện 122.370 F0 trong cộng đồng, tỉ lệ 2,31%.

Hiện, Bình Dương có 28 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với trên 27.000 giường bệnh theo mô hình điều trị 3 cấp, tầng 1 chiếm 60%, tầng 2 chiếm 35%, tầng 3 chiếm 5%. Điều phối hỗ trợ giữa các tuyến nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. Tỉnh đang điều trị cho 40.083 F0, cách ly tại nhà 6.386 F0. Trong 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày Bình Dương ghi nhận khoảng 3.000 F0, số người được xuất viện khoảng trên 5.000 người.

Tính đến nay, Bình Dương đã ghi nhận 166.081 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đã điều trị khỏi 123.898 người, 1.503 ca tử vong; tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho 1,83 triệu người và mũi 2 cho trên 51.000 người, đạt mức độ phủ khoảng 98% đối tượng được tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

Đến ngày 15/9, Bình Dương đã công bố 6/9 huyện, thị xã, thành phố là vùng xanh. Bình Dương xác định mở cửa từng bước từ khu phố xanh đến phường xanh; huyện, thị xã, thành phố xanh. Các hoạt động kinh tế phải bảo đảm nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” theo các mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh”…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định tinh thần tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả bước đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; đồng thời không chủ quan, nóng vội trong mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bình Dương phấn đấu đến ngày 20/9 sẽ hoàn thành xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, khử khuẩn, vệ sinh môi trường xung quanh các khu nhà trọ, hộ dân đang sinh sống trong khu vực vùng đỏ có mật độ F0 dày đặc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 5B đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh tỉnh Bình Dương. Bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị hơn 600 F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và có tỷ lệ chuyển tuyến dưới 1% Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 5B đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh tỉnh Bình Dương. Bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị hơn 600 F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và có tỷ lệ chuyển tuyến dưới 1% Ảnh: VGP/Đình Nam

Làm sạch từng tổ dân phố, khu phố vùng đỏ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Dương, đến giờ phút này tình hình dịch bệnh của địa phương đã từng bước được kiểm soát. Bình Dương cũng giữ được tỉ lệ tử vong hiện rất thấp. Giữ vững và mở rộng vùng xanh, dồn, khoanh hẹp vùng đỏ. Trong 3 huyện, thị vùng đỏ thì chỉ có một số phường, xã đỏ thực sự, và trong các phường xã đã xác định được những khu phố, tổ dân phố là những điểm đỏ.

Trong thực hiện giãn cách xã hội, Bình Dương đã kịp thời chấn chỉnh ngay những sự cố, vụ việc nhỏ lẻ; bảo đảm đời sống, an sinh xã hội cho người dân; an ninh trật tự, trên địa bàn.

Theo Phó Thủ tướng, Bình Dương đã có thời gian thực hiện giãn cách xã hội khá lâu và tất cả người dân đều mong muốn sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa đời sống trở lại trạng thái bình thường mới. Vì vậy, tỉnh cần phải tập trung nỗ lực kiểm soát dịch bệnh một cách sớm nhất.

Cụ thể, tại những xã, phường vùng đỏ, tỉnh cần chia nhỏ hơn nữa xuống tận từng khu phố, tổ dân phố, từng thôn, xóm, ấp.

“Chúng ta coi xã, phường, thị trấn, nhà máy là pháo đài nhưng bên trong phải phân nhỏ hơn nữa để tập trung lực lượng làm sạch từ dưới lên, từ những tế bào nhỏ nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, lãnh đạo TP. Thủ Dầu Một cho biết dù địa phương có 2 phường vùng đỏ nhưng thực tế số ca nhiễm chỉ tập trung ở một vài khu phố, nhà trọ, hộ gia đình. Từ thực tiễn này, Phó Thủ tướng gợi mở địa phương tranh thủ thời gian giãn cách, tập trung lực lượng để quét nhiều lần, thậm chí hằng ngày, đối với những điểm đỏ này để nhanh chóng làm sạch sớm nhất.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi khẳng định thực tiễn chống dịch trên địa bàn cho thấy khoanh gọn ổ dịch càng nhỏ càng tốt, sau đó tập trung lực lượng làm sạch. Trong một vài ngày tới, Bình Dương sẽ triển khai phương án làm sạch dứt điểm từng xã, phường vùng đỏ còn lại trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động và yêu cầu người dân phải chủ động tự lấy mẫu xét nghiệm nhằm tăng tốc xét nghiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo TP. Thủ Dầu Một về giải pháp làm sạch những “vùng đỏ” còn sót lại của địa phương. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo TP. Thủ Dầu Một về giải pháp làm sạch những “vùng đỏ” còn sót lại của địa phương. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chăm chút từng ca bệnh để giảm hết mức ca tử vong

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y cho biết, Bình Dương đã qua giai đoạn hạn chế lây nhiễm tối đa và bây giờ phải chuyển sang giảm tỉ lệ tử vong tối đa khi số lượng bệnh nhân điều trị ít đi, số người tiêm vaccine tăng lên. Tỉnh cần xem xét phương án chuyển các khu cách ly F0 đủ điều kiện sẽ được tăng cường thêm bác sĩ, thuốc men, oxy để điều trị ngay tại chỗ cho các F0; phân công các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến để đảm trách thăm khám, hỗ trợ F0 cách ly tại nhà, từ đó giảm quy mô các khu cách ly F0 tập trung.

Về nhân lực, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hiện lực lượng tăng cường cho các cơ sở điều trị của Bình Dương khoảng gần 2.000 người, trong đó nhiều đoàn có thời gian hỗ trợ 2 đến 3 tháng. Vì vậy trong thời gian tới cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ tại chỗ; bảo đảm đầy đủ thuốc điều trị; “chăm chút từng ca bệnh” thay vì điều trị đại trà như giai đoạn trước.

“Vừa qua Bình Dương đã áp dụng rất tốt mô hình F0 đã khỏi bệnh hỗ trợ điều trị F0 trong bệnh viện, tại nhà”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trao đổi.

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới Bình Dương tăng cường tập huấn cho đội ngũ y tế trong các bệnh viện, trạm y tế; đẩy nhanh việc đưa thuốc điều trị cho F0 ngay từ ban đầu; tổ chức lại các trung tâm cách ly thành cơ sở điều trị; bảo đảm đầy đủ thuốc men, đồ bảo hộ, máy móc, trang thiết bị y tế…

Nêu thực tế một số xã, phường khi phát hiện F0 thì đưa ngay vào khu cách ly tập trung, theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, thời gian tới phải đẩy mạnh đưa F0 về cách ly tập trung tại nhà, huy động chính quyền xã, phường, trạm y tế, nhân viên y tế chăm sóc, thăm khám thường xuyên. Có như vậy mới có thể trả lại trường học, các khu nhà xưởng đã trưng dụng làm khu cách ly để cho học sinh đi học và doanh nghiệp sản xuất.

“Vừa qua Bình Dương đã áp dụng rất tốt mô hình F0 đã khỏi bệnh hỗ trợ điều trị F0 trong bệnh viện, tại nhà”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam
“Vừa qua Bình Dương đã áp dụng rất tốt mô hình F0 đã khỏi bệnh hỗ trợ điều trị F0 trong bệnh viện, tại nhà”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam

Mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải an toàn

Về chuẩn bị cho việc mở lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc mở lại từng bước các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải chắc chắn, an toàn, không phân biệt ngành hàng kinh doanh, dịch vụ miễn là bảo đảm được an toàn.

Phó Thủ tướng lưu ý, tới đây, khi Bình Dương đã tiêm đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, kết hợp với một số biện pháp khác nhằm giảm người bệnh nặng, giảm tử vong sẽ là điều kiện thuận lợi để từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bình Dương đã có các mô hình sản xuất an toàn như “cơ sở sản xuất xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh”, kết hợp với tiêm vaccine, xét nghiệm định kỳ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch… sẽ bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn. “Mấu chốt là kiểm soát, giữ vững nơi cư trú xanh. Muốn vậy, các đồng chí cần đánh giá nguy cơ dịch bệnh xuống tận khu phố, tổ dân phố, thậm chí sau này tới tận từng khu nhà trọ, kết hợp với bố trí ca, kíp sản xuất theo nơi cư trú của công nhân”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Thời gian tới, Bình Dương cần liên thông cơ sở dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, phần mềm quản lý xét nghiệm, di biến động dân cư, tiêm chủng, quản lý F0, từ đó, vẽ lại bản đồ dự báo đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng tổ dân phố, khu phố, kiểm soát tình hình dịch bệnh hiệu quả, bền vững sau khi trở lại trạng thái bình thường mới./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.