Một buổi sáng tiết trời mát mẻ, chúng tôi đến thăm lớp học dân ca Quan họ 19A của Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ ngoài cổng vào, đã nghe tiếng hát Quan họ vang xa như chính những câu ca mời gọi khách đến chơi nhà của người dân vùng Kinh Bắc đầy duyên dáng và chân thành: “Khách đến í đến chơi hự nhà là chơi hự nhà/Đốt than ư dọn nhà quạt nước với pha trà/ Mời người xơi là chén í à trà này/Quý vậy ơ quý vậy đôi người ơ”…
Mỗi lớp học Quan họ của Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh có từ 8 đến 15 học viên ở độ tuổi 14 đến 26. Vốn yêu thích và say mê các làn điệu Quan họ từ khi mới 4 tuổi, bạn Nguyễn Thị Thu Hường (26 tuổi) ở Từ Sơn, Bắc Ninh, cho biết: “Em tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nhưng sự đam mê với các làn điệu Quan họ từ khi còn nhỏ vẫn luôn cháy bỏng cùng với sự mến mộ giọng hát của NSND Thúy Hường nên em quyết tâm đăng ký vào đây để theo học Quan họ quê mình”.
Cũng như Thu Hường, em Nguyễn Thị Tươi (17 tuổi) ở Gia Bình, Bắc Ninh, chia sẻ: “Được nghe bà hát Quan học từ khi còn bé xíu, nên những lời ca, giai điệu Quan họ đã thẩm thấu vào tâm hồn em, cùng với thời gian. Niềm đam mê làn điệu Quan họ cứ thế lớn dần lên trong em ngày càng mãnh liệt. Do đó, sau khi tốt nghiệp THCS, em đăng ký vào khoa Dân ca Quan họ tại trường để được học, rèn giũa chắp cánh cho đam mê theo đuổi Quan họ của em”.
“Trong quá trình thầy cô dạy các kỹ năng luyện thanh hay cách lấy hơi, khẩu hình sao cho chuẩn. Để có tư liệu về nhà học thêm, em thường sử dụng điện thoại ghi âm lại”, em Tươi nói.
Như một sự khẳng định thêm cho việc giới trẻ ngày càng quan tâm đến loại hình nghệ thuật biểu diễn dân ca Quan họ, Thạc sĩ Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Từ khi dân ca Quan họ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các cấp có thẩm quyền đã cho phép thành lập khoa Dân ca Quan họ riêng, từ đó quy mô đào tạo cũng tăng dần. Đặc biệt hiện nay, số lượng học sinh chuyên ngành Nghệ thuật Biểu diễn dân ca Quan họ của tỉnh Bắc Ninh đang là một thế mạnh đào tạo của nhà trường, tỷ lệ học sinh trên tổng số học sinh toàn trường, chiếm khoảng 60%. Học sinh chính quy đã tăng lên hơn 50 học sinh/năm, chủ yếu các em đã tốt nghiệp THCS và THPT”.
Ngoài ra hằng năm, Nhà trường còn phối hợp với các trung tâm văn hóa-thể dục-thể thao của các huyện tổ chức các lớp học dân ca Quan họ cho thanh niên, thiếu niên trong các dịp hè; phối hợp với các cơ sở Đoàn tổ chức các lớp cho các bé nhi đồng và thanh-thiếu niên. Mỗi lớp có từ 35-40 học viên tham gia.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Cương cũng cho biết thêm, hiện nay hầu hết các làng, xã tỉnh Bắc Ninh đều có Nhà chứa Quan họ, Câu lạc bộ Quan họ hoạt động với sự tham gia tích cực của đông đảo giới trẻ. Đặc biệt, tại các trường học, Quan họ cũng được đưa vào các tiết học hằng tuần, nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh trong quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị của dân ca Quan họ, góp phần làm cho dân ca Quan họ ngày càng lan tỏa, vươn xa và có sức sống trong đời sống đương đại.
HOÀI DƯƠNG