Huyện Đam Rông xác định, nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a của Chính phủ là cơ hội giúp địa phương vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống của người dân. Theo đó, từ nguồn lực đầu tư, huyện đã bố trí hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ nghèo đồng bào DTTS sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với kinh phí là 6.914 triệu đồng, bao gồm: 2 mô hình cánh đồng mẫu tại xã Đạ M’Rông, 2 mô hình trồng nấm tai mèo và 27 mô hình nuôi dê bách thảo, cùng với các mô hình trồng bưởi da xanh, trồng dâu nuôi tằm, trồng và thâm canh cà phê ghép, cây sầu riêng, trồng xen canh cây mắc ca... cho 365 hộ, các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm… với nguồn vốn được bố trí 69.511 triệu đồng cho 41.578 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi; một số mô hình đã được thực hiện hiệu quả, bước đầu tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình và thoát nghèo bền vững.
Các xã như: Đạ R’sal, Đạ K’Nàng, Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ M’rông… trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, nhưng nhờ có giải pháp đúng đắn của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nên công tác giảm nghèo thay đổi rõ nét. Bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo ở Đam Rông giảm 5 - 6%. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư, bước đầu đã tạo diện mạo mới so với trước đây. Hiện nay, 8/8 xã có đường nhựa đến trung tâm xã, mở mới trên 50km đường liên thôn, liên xã; hệ thống thủy lợi được duy trì và mở rộng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Từ khi thực hiện Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển, giá trị sản xuất tăng, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Thời gian tới, huyện đề xuất giải pháp tăng nguồn vốn sự nghiệp hằng năm hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế để tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.