Cụ thể trên tuyến đường liên xã Đắk Som - Đắk R’măng, huyện Đắk Glong đoạn qua địa phận bon B’Dơng xã Đắk Som đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 60m, trong đó khoảng 30m bị sụt lún nghiêm trọng, khiến mặt đường bị chia cắt mạnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của người và phương tiện khi đi qua. Đoạn sụt lún sâu nhất 1,5m, rộng 1/2 mặt đường. Theo UBND huyện Đắk Glong, địa phương đang gấp rút khắc phục tình trạng sạt lở, sụt lún.
Huyện Krông Nô những ngày qua cũng liên tục xuất hiện sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 4B, đoạn đi qua xã Quảng Phú. Quốc lộ 28, đoạn đi qua thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú bị nước lớn ngập sâu.
Trước tình hình diễn biến của mưa lũ, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp tốc chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: những ngày qua mưa lớn, nước dâng cao đã làm ngập khu vực cầu qua suối Đắk Sôr thuộc tuyến đường thôn Thanh Sơn đi thôn Sơn Hà, thôn Đắk Hợp, xã Nam Xuân. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng cắm biển cảnh báo ở hai đầu, lập rào chắn phong tỏa phạm vi đoạn đường bị sạt lở, sụt lún; đồng thời bố trí lực lượng túc trực tại hiện trường để theo dõi, cảnh báo, thông báo, hướng dẫn người dân, phương tiện giao thông qua lại bảo đảm an toàn.
Huyện chỉ đạo các địa phương ven sông Krông Nô chủ động ứng phó với các tình huống lụt bão, xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế. “Hiện nay các xã ven sông Krông Nô đều được bố trí 1 - 3 thuyền gắn máy, 1 ca nô để làm phương tiện ứng phó trong thiên tai. Còn các thôn, buôn, bon của các xã được bố trí tổng cộng 22 thuyền nhỏ để phục vụ di dời khẩn cấp”, ông Ánh cho biết thêm.
Tại huyện Cư Jút và Đắk Glong, khu vực hạ du hồ chứa thủy điện Buôn Kuốp và hồ chứa thủy điện Srêpôk 3 hiện nay cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, huyện đã chỉ đạo xã Tâm Thắng và thị trấn Ea Tling (là hai địa phương có người dân sinh sống và canh tác hoa màu khu vực ven sông Sêrêpốk) tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm, phân công lực lượng túc trực, hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra tại các địa điểm trên.
“Để tránh tình trạng các thủy điện xả nước ngay trong thời điểm mưa lũ đổ về gây ngập lụt, cuốn trôi hoa màu, nhà cửa của các hộ dân ven sông sêrêpốk, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn với phương châm Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng và hiệu quả. UBND huyện cũng đã phối hợp với Công ty Thủy điện Buôn Kuốp xây dựng bản đồ ngập lụt, xác định vị trí di dời để chủ động đưa dân lên vùng cao tránh lũ”, ông Tú nói.