Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Nia duy trì, phát triển văn hóa truyền thống đồng bào Mạ

PV - 16:13, 16/07/2019

Xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông có 12 thôn, bon với gần 2.400 hộ, 9.000 nhân khẩu, trong đó có 5 bon đồng bào dân tộc Mạ. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống trong đồng bào DTTS để xứng đáng là cái nôi văn hóa dân tộc Mạ của tỉnh Đăk Nông.

Một nghi thức tại Lễ kết nghĩa của người Mạ ở xã Đăk Nia. Một nghi thức tại Lễ kết nghĩa của người Mạ ở xã Đăk Nia.

Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn, những năm qua, xã Đăk Nia thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: diễn tấu cồng chiêng, hát múa, diễn tấu nhạc cụ dân tộc, thi ẩm thực, dệt thổ cẩm,… được người dân địa phương tham gia đông đảo. Riêng bà con dân tộc Mạ vẫn duy trì tổ chức các nghi lễ truyền thống theo phong tục, tập quán như Lễ cúng bến nước, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng sức khỏe, Lễ cầu mưa, Lễ kết nghĩa…

Xã Đăk Nia cũng thường xuyên được chọn làm nơi tổ chức ngày hội văn hóa cấp thị xã, tỉnh như Hội Xuân Liêng Nung; phục dựng một số lễ hội truyền thống dân tộc Mạ, M’nông.

Lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng nhất trong lao động sản xuất xưa kia của người Mạ nhằm cầu mong hồn lúa, thần linh che chở và phù hộ cho lúa tốt, được mùa, dân làng ấm no, hạnh phúc. Hằng năm, sau mùa thu hoạch trên nương rẫy, lúa được phơi khô cất vào kho, đồng bào Mạ lại cùng nhau rộn ràng tổ chức Lễ mừng lúa mới.

Theo già làng K’Tiêng, người Mạ có rất nhiều lễ hội quan trọng như Lễ cúng bến nước, Lễ sum họp cộng đồng hay Lễ cúng thần rừng… Trong tất cả các nghi lễ đều phải có cồng chiêng, rượu cần, bởi đối với người Mạ, cồng chiêng là phương tiện giao tiếp với thần linh, gắn bó với con người từ khi sinh ra đến lúc về với tổ tiên. Vì vậy, việc truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ và giữ gìn nghề ủ rượu cần được bà con quan tâm, gìn giữ.

“Dù thế hệ trẻ ít mặn mà với cồng chiêng, nhạc cụ, nhưng tôi vẫn cố gắng vận động, tập hợp các cháu lại để truyền dạy, khơi dậy tình yêu cồng chiêng cũng như nhạc cụ dân tộc trong lớp trẻ. Đặc biệt, là cách chế tác nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Nay buôn đã có 3 đội cồng chiêng của 3 thế hệ từ thiếu nhi đến già”, già K’Tiêng chia sẻ.

Không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhiều gia đình còn phát triển kinh tế bằng chính sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Điển hình là việc ủ rượu cần để bán ra thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Năm 2018, UBND xã Đăk Nia đã thành lập Tổ hợp tác rượu cần và Tổ hợp tác dệt thổ cẩm, tập hợp những nghệ nhân, người am hiểu, tâm huyết với văn hóa dân tộc Mạ.

Chị H’Mai, Tổ trưởng Tổ hợp tác rượu cần xã Đăk Nia chia sẻ: Các thành viên trong tổ đều là những gia đình chuyên nấu rượu cần của địa phương. Từ khi thành lập Tổ hợp tác, thương hiệu rượu cần Đăk Nia được nhiều người biết đến và có nhiều đơn đặt hàng hơn. Các thành viên có thêm thu nhập nên rất vui và tin tưởng có thể phát triển kinh tế bằng nghề truyền thống của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nia cho biết: Cùng với việc phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Địa phương có nhiều cách tuyên truyền bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, lấy đồng bào làm chủ thể. Hiện nay, mỗi bon đều đã thành lập đội cồng chiêng và văn nghệ dân gian với hạt nhân nòng cốt là các nghệ nhân.

Đặc biệt, các nghệ nhân xã Đăk Nia cũng là lực lượng nòng cốt đại diện tỉnh tham gia các hội thi, hội diễn trong vào ngoài tỉnh. Nhiều gia đình còn giữ được những bộ chiêng quý, chiếc ché cổ mà ông bà để lại. Hiện, xã có 3 nghệ nhân được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú gồm nghệ nhân K’Tiêng bon N’Jiêng, K’Ngun ở bon Tinh Wel Đơm và H’Geng bon Bu Sốp.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.