Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trang địa phương

Đắk Lắk: Phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS bằng những hoạt động, việc làm cụ thể

Lê Hường (thực hiện -CĐ) - 18:40, 25/10/2021

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp, nhiều buôn đồng bào DTTS xuất hiện các chùm ca bệnh đông bệnh nhân, mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm. Với chức năng của ngành công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động, việc làm cụ thể nhằm nâng cao cảnh giác phòng dịch và hỗ trợ đồng bào DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi thông tin với bà H’Yao Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này.

Bà H’Yao Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Bà H’Yao Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Bà cho biết cụ thể hơn về tình hình dịch bệnh Covid 19 trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; những hoạt động truyền thông, góp sức cùng đồng bào DTTS chống dịch của cơ quan làm công tác dân tộc?

Đến nay, tỷ lệ đồng bào DTTS mắc Covid-19 chiếm hơn 60% trên tổng số ca nhiễm và số người mắc vẫn không ngừng tăng lên. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS, ngày 9/9/2021 Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 669/KH-BDT về triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, với nhiều nội dung và giải pháp triển khai cụ thể: Ban Dân tộc tỉnh đã in ấn 150.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng 3 thứ tiếng Việt - Ê đê - Mnông để phát cho đồng bào DTTS. 

Nhằm đa dạng thông tin, hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch trong đồng bào DTTS, Ban Dân tộc Đắk Lắk đã  phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng, sản xuất chương trình truyền hình, phát thanh nội dung phòng, chống dịch Covid-19 trong đồng bào DTTS bằng 3 thứ tiếng Việt - Ê đê- Mnông. Đồng thời, cung cấp sản phẩm truyền hình, phát thanh này đến 15 Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và 62 Đài Truyền thanh cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phối hợp với báo Dân tộc và Phát triển thực hiện các bài viết tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh, đăng tải trên báo điện tử và báo in. Ngoài ra, Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử cơ quan Ban Dân tộc đã dẫn nguồn, đăng tải các bài viết tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS trên Website của Ban Dân tộc.

Chở loa di động tuyên truyền bằng tiếng DTTS.
Chở loa di động tuyên truyền bằng tiếng DTTS.

Bà đánh giá thế nào về vai trò của đội ngũ Người có uy tín; đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch vùng đồng bào DTTS thời gian qua?

Đắk Lắk có 49 thành phần dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào DTTS cao chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh. Năm 2021, Đắk Lắk có 1.021 người được công nhận là Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thực hiện chính sách dành cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện các chính sách cho Người có uy tín theo quy định. Đây là sự động viên rất lớn giúp cho họ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi. Phải khẳng định rằng, Người có uy tín có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền vùng DTTS, là những  "đầu tầu" trong các hoạt động ở cộng đồng, dẫn dắt đồng bào các DTTS tham gia hiệu quả các hoạt động, phong trào ở địa phương.

Thời gian qua, Ban Dân tộc đã huy động lực lượng Người có uy tín tham gia thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực phòng chống dịch tại cơ sở. Đặc biệt, vừa qua, Ban Dân tộc đã huy động đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cơ sở, cùng với  379 Người có uy tín tại các địa phương tham gia cấp phát 15.000 tờ rơi truyền truyền về phòng chống dịch Covid -19  đến tay đồng bào DTTS.

Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)
Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)

Theo bà việc tuyên truyền bằng tiếng DTTS có hiệu quả tích cực như thế nào?

Vừa qua, Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức khảo sát việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 tại 8 xã thuộc 4 huyện Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn và Krông Pắk. Đoàn công tác đã nhận định, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bằng tiếng DTTS bước đầu phát huy hiệu quả, người dân nâng cao mức độ cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương và địa phương.

Dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống, khiến đời sống của đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã có những tham mưu, đề xuất hỗ trợ đồng bào DTTS gì ?

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong vùng đồng bào DTTS, số ca F0 là người DTTS tăng nhanh, Ban Dân tộc đã xây dựng văn bản, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng trong đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng, kịp thời rà soát, lập danh sách đồng bào DTTS mắc Covid-19 gửi đến Ủy ban Dân tộc. Theo đó, Ủy ban Dân tộc đã hỗ trợ 101 F0 là người DTTS trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 202 triệu đồng và Ban Dân tộc đã triển khai hỗ trợ đến người dân kịp thời, đúng đối tượng.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.