Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Lăk: Nhiều lợi ích từ tổ tư vấn cộng đồng của các cấp hội phụ nữ

Lê Hường - 15:36, 19/03/2021

Gần 3 năm hoạt động, Tổ tư vấn cộng đồng của Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp ở tỉnh Đăk Lăk đã hỗ trợ kiến thức về pháp luật, kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ. Với hình thức tư vấn đa dạng, linh hoạt, các tổ tư vấn cộng đồng bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong việc giải quyết các vướng mắc của người dân.

Một buổi sinh hoạt tư vấn củaTổ TVCĐ huyện Cư M’gar
Một buổi sinh hoạt tư vấn của Tổ TVCĐ huyện Cư M’gar

Tháng 8/2018, Hội LHPN xã Cư Suê, huyện Cư M’gar chính thức thành lập Tổ tư vấn cộng đồng (TVCĐ) với 11 thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã. Hàng tháng, Tổ TVCĐ tổ chức họp giao ban và sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. 

Địa điểm tư vấn của Tổ được bố trí ngay tại trụ sở UBND xã, được trang bị nhiều đầu sách pháp luật để chị em phụ nữ khi đến liên hệ có thể tìm đọc. Để hoạt động hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng quy chế hoạt động, tổ còn phân công các thành viên thường xuyên tiếp nhận ý kiến và kịp thời tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ.

Bà Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN Cư Suê cho biết: Hàng năm, Tổ đã tư vấn và giải đáp thắc mắc cho khoảng 20 lượt chị em, với nhiều nội dung khác nhau. Thông qua các buổi sinh hoạt, tổ TVCĐ đã giúp cho chị em có điều kiện tiếp cận được với các văn bản luật, nâng cao nhận thức, từ đó hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu nại, khiếu kiện. 

Ngoài ra, tổ TVCĐ còn phối hợp ngành tư pháp, Công an, y tế, dân số đến các thôn, buôn, đến từng gia đình tư vấn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền luật hôn nhân gia đình và hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn gia đình. Từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của phụ nữ trên địa bàn xã. Điển hình là, hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn xã giảm rõ rệt. 

Mấy năm trước, chỉ cần bước ra đường, là thấy tờ rơi cho vay lãi của các cá nhân, tổ chức rải khắp nơi, tổ TVCĐ phối hợp với công an, tư pháp tổ chức các buổi tuyên truyền về rủi ro khi vay tín dụng đen, giúp chị em nhận biết và tiếp cận nguồn vốn vay chính thống. Đến nay, hầu hết hộ dân trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn vay chính thống. Hay như vấn đề bạo lực gia đình, có nhiều cặp vợ chồng thường xuyên cự cãi, đánh nhau đều được thành viên trong Tổ đến tận nhà tư vấn, hòa giải.

Bà Hằng minh chứng, mới đây, Tổ đã hòa giải thành công mâu thuẫn của vợ chồng chị Hoàng Thị Thủy, ở thôn 1. Chồng chị Thúy thường uống rượu say về đánh vợ, tổ TVCĐ đến hòa giải, giải thích về quy định của Luật hôn nhân gia đình, Bình đẳng giới. Lúc đầu hai vợ chồng không hiểu vẫn còn mâu thuẫn, nhưng thành viên Tổ tư vấn đến nhiều lần, phân tích họ cũng hiểu ra. Đến giờ, vợ chồng hòa thuận, chí thú làm ăn.

Tổ TVCĐ huyện Cư Kuin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ngăn chặn tình trạng tín dụng đen
Tổ TVCĐ huyện Cư Kuin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ngăn chặn tình trạng tín dụng đen

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh, đã xây dựng được 72 mô hình Tổ TVCĐ, qua đó đã tư vấn miễn phí cho gần 1.000 lượt phụ nữ; tiếp 378 lượt công dân đến nhờ can thiệp các vụ việc liên quan đến chế độ, chính sách; tổ chức được 89 buổi tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho gần 9.900 lượt phụ nữ và trẻ em gái tại các thôn, buôn, tổ dân phố. 

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng trang “Tư vấn pháp luật online miễn phí” trên mạng xã hội Facebook do các luật sư, các cộng tác viên am hiểu pháp luật tham gia hỗ trợ tư vấn, với hơn 2.000 hội viên theo dõi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: Trên cơ sở hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình tổ tư vấn cộng đồng tại cơ sở. Thông qua hình thức trực tiếp, qua văn bản, thư tín, điện thoại, các tổ đã tư vấn miễn phí cho phụ nữ về lĩnh vực bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống bạo lực gia đình; trợ giúp pháp lý trong vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em theo quy định của pháp luật… 

"Với hình thức tư vấn đa dạng, linh hoạt, các tổ tư vấn cộng đồng bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân ngay từ gốc, giảm bớt tình trạng đơn thư khiếu nại...; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tổ chức hội", bà Hường phấn khởi thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.