Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đắk Lắk: Hạn giữa mùa… mưa

Lê Hường - 15:22, 30/08/2021

Tháng 8, Tây Nguyên đang giữa mùa mưa, nhưng năm nay tình trạng nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít nên vẫn dẫn đến hạn hán cục bộ diễn ra gay gắt ở một số địa phương. Hàng nghìn héc ta cây trồng ở Đắk Lắk thiếu nước tưới, nguy cơ mất mùa hiện hữu, người nông dân đứng ngồi không yên.

Hồ Ea Ktung, huyện M’Đrắk cạn trơ đáy
Hồ Ea Ktung, huyện M’Đrắk cạn trơ đáy

Hồ cạn khô, cây trồng thiếu nước

Đang kéo ống dẫn nước từ suối Ea Tlu cứu 3 sào lúa tại cánh đồng đang gặp hạn, chị H’Joel ở buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, buồn rầu nói: Nhìn đồng lúa dần thiếu sức sống vì nắng hạn, chúng tôi cùng nhau đưa máy bơm, kéo ống đưa nước từ suối về đồng. Nhưng nguồn nước ở dòng suối này cũng đang cạn, bà con trong buôn thay phiên nhau nạo vét mót nước mạch. 

“Chỉ sợ vài ngày nữa suối cũng khô nước mà vẫn không có mưa lại phải cắt lúa cho bò ăn, chứ cũng không còn cách nào cứu vãn nữa”, chị H’Joel  nói.

Chúng tôi đến hồ thủy lợi Ea Ktung, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk), lòng hồ đã cạn khô từ bao giờ, lớp bùn dưới đáy hồ nứt nẻ. Ông Y Lốp, Bí thư Đảng ủy xã Krông Jing cho biết: Hồ thủy lợi Ea Ktung phục vụ nước tưới cho 25ha lúa và 20ha hoa màu, cà phê của buôn Ktung. Nửa tháng nay, hồ cạn nước, những ruộng lúa dưới chân đập khô hạn ngay thời kỳ chuẩn bị làm đòng coi như mất trắng. Nhiều rẫy mía, sắn, bắp quanh khu vực này thiếu nước tưới cũng trở nên thiếu sức sống. 

Ngoài hồ thủy lợi Ea Ktung, 5 hồ thủy lợi nhỏ khác phục vụ tưới cho 450ha lúa trên địa bàn xã cũng đều ở mực nước chết. Toàn huyện M’Đrắk có 60 công trình thủy lợi, trong đó 10 công trình đã cạn trơ đáy. Những công trình còn lại đều ở mực nước chết, không còn khả năng tự chảy.

Tình trạng hồ cạn, cây trồng thiếu nước tưới cũng đang diễn ra trên địa bàn một số huyện như Ea Kar, Krông Bông, Ea Súp… Như ở thôn Tứ Xuân, xã Cư Huê (huyện Ea Kar), hơn 3ha cây trồng của gia đình anh Võ Đức Danh, dù ngay bên cạnh hồ thủy lợi Ea Bư cũng đang thiếu nước trầm trọng, bởi hồ đã cạn, giếng khoan của gia đình cũng hết nước. 

Anh Danh chia sẻ, 3 sào lúa đang làm đòng rất cần nước để trổ bông, hàng trăm trụ tiêu thời kỳ ra hoa kết trái, cà phê, bơ, sầu riêng đều gặp hạn, cây bắt đầu héo rũ, vàng lá. Nếu vài ngày nữa không có mưa khả năng vụ muà này lúa sẽ mất trắng, các loại cây trồng khác giảm năng suất một nửa. Không chỉ mình nhà tôi, bà con ở đây đang đứng ngồi không yên tìm cách cứu cây trồng.

Theo báo cáo của Chi nhánh Thủy lợi huyện Ea Kar, dung tích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện đang ở mức báo động. Toàn huyện có 54 hồ thủy lợi, thì 2 hồ hết nước, 22 hồ chỉ còn 10 - 15% dung tích, 30 hồ còn lại dung tích 50%. 

Nguồn nước từ sông Krông Pách, sông Krông Năng và các con suối đã bị cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước tưới cho cây trồng, đặc biệt lúa nước. Nếu tình trạng hạn tiếp tục diễn ra hơn 2.000 ha lúa có khả năng mất trắng, các loại cây trồng khác cũng giảm năng suất trầm trọng.

Nông dân dùng máy bơm bơm nước cứu lúa
Nông dân dùng máy bơm bơm nước cứu lúa

Triển khai nhiều giải pháp cứu cây trồng

Vụ Hè Thu này huyện M’Đrắk gieo trồng hơn 25.000 ha, hiện gần 1.000 ha cây trồng đang thiếu nước tưới, nếu 10 ngày nữa không có mưa diện tích bị hạn, mất trắng sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện M’Đrắk cho biết: Huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó huy động hàng chục máy bơm của đơn vị, doanh nghiệp bơm nước tưới cây trồng. Đồng thời, khuyến khích người dân tận dụng các nguồn nước tưới cho diện tích lúa nào có thể cứu được. Đối với diện tích lúa bị hạn nặng, huyện vận đồng người dân chuyển đổi trồng cây hoa màu cần ít nước hơn như khoai lang, bắp, đậu… 

Vừa qua, UBND huyện cũng đã báo cáo đề nghị tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng mua dầu chạy máy bơm nước chống hạn, 2 tỉ đồng mua giống các loại phục vụ tái sản xuất vụ Thu Đông và Đông Xuân. Bên cạnh đó, đề xuất tỉnh cho chủ trương xã hội hóa nạo vét các hồ đập thủy lợi tăng khả năng tích trữ nước.

Còn tại huyện Ea Kar, UBND huyện đã thành lập Ban chống hạn, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các đơn vị sản xuất phối hợp với chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn triển khai giải pháp chống hạn như, tổ chức nạo vét cống lấy nước, kênh mương; lắp đặt máy bơm dã chiến, bơm tát… để cung cấp nước cho cây trồng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch điều tiết nước, tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đắk Lắk, toàn tỉnh có 785 công trình thủy lợi, trong đó có 610 hộ chứa nước, với tổng dung tích 650 triệu m3. Ngay từ đầu vụ Hè Thu, Sở cũng đã tổ chức kiểm tra, đánh giá khối lượng nước và yêu cầu các địa phương có kế hoạch điều tiết phù hợp. 

Đối với những địa phương có nguy cơ xảy ra hạn hán, Sở đã chỉ đạo các huyện rà soát nguồn nước và có phương án chống hạn phù hợp, hạn chế tối đa thiệt hại... Tuy nhiên, do nắng kéo dài, lượng mưa ít nên hạn hán vẫn đang xảy ra cục bộ ở một số địa bàn./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.