Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đắk Lắk: Giải bài toán sắp xếp học sinh chưa được tuyển sinh vào THPT

Lê Hường - 22:32, 14/07/2024

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk có hơn 31.000 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng có gần 2.000 học sinh đã tốt nghiệp THCS nhưng chưa được tuyển sinh vào lớp 10 ở các cơ sở giáo dục. Trước thực trạng đó, tỉnh đang gấp rút tìm giải pháp sắp xếp trường lớp cho số học sinh này.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa phát biểu tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X
Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa phát biểu tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X

Tăng sĩ số lớp 

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, năm học 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk có 31.944 học sinh tốt nghiệp THCS. Thực hiện kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở đã giao chỉ tiêu cho các trường THPT công lập là 21.018 học sinh. Đến nay, số học sinh trúng tuyển và lớp 10 trường công lập đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh việc tuyển sinh vào các trường công lập, các trường dân lập cũng đã tuyển sinh 2.043 em, số học sinh xét tuyển vào các trung tâm giáo dục thường xuyên là 3.368 em. Còn gần 1.900 học sinh chưa được tuyển sinh vào lớp 10.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dôi dư học sinh tốt nghiệp THCS sau khi tuyển sinh lớp 10, một phần do số lượng học sinh THCS tăng đột biến so với những năm học trước. Tổng số học sinh tốt nghiệp THCS năm 2023 - 2024 là 31.944 học sinh, tăng hơn 3.000 học sinh so với năm học 2022-2023. 

Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên thực hiện Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 về hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Do đó, tỷ lệ học sinh/lớp giảm theo quy định về vùng tuyển sinh….

Trước thực hiện trạng trên, đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục vấn đề này. Theo quy định, đối với học sinh THPT sĩ số mỗi lớp 40 học sinh/lớp. Để giảm số lượng học sinh tốt nghiệp THCS chưa có trường học, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất với đề xuất của ngành Giáo dục và Đào tạo theo phương án, cho tất cả các vùng đều tăng thêm học sinh đủ 44 học sinh/lớp để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các học sinh trên địa bàn. Nếu thực hiện theo phương án này, thì số lượng học sinh tốt nghiệp THCS chưa có trường học giảm xuống còn 900 em. Những học sinh này sẽ đi vào học tại các trường nghề.

hó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp trả lời đại biểu về vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp trả lời đại biểu về vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, về lâu dài tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục tìm những giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài để thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác giáo dục.

Đề xuất giải pháp chiến lược

Tại Kỳ họp thứ VIII, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 9-11/7, các đại biểu có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tuyển sinh, sắp xếp học sinh tốt nghiệp THCS.

Đại biểu Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk cho rằng, định hướng phân luồng học sinh là chủ trương đúng đắn, song thực tế việc phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn. Vừa qua, huyện Krông Pắk có hơn 300 học sinh thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 không đạt, phân luồng vào các trung tâm giáo dục nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. 

"Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học.Việc quan trọng là phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thì việc phân luồng học sinh mới đạt hiệu quả", ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk nói.

Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 trong thời gian tới, cần làm tốt công tác truyền thông, công tác dự báo. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ chính sách giáo dục dân tộc, quan tâm hơn nữa đến các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, tăng quy mô.

Trong năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phương án tổ chức thi tuyển toàn bộ để thực hiện hiệu quả hơn công tác tuyển sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, mở rộng quy mô trường nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; mô hình học văn hóa kết hợp với học nghề trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; mở rộng quy mô các trường công lập ở địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục…

Phát biểu tại Kỳ họp, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết: theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho vấn đề tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, sau khi tăng sĩ số cho các lớp học, thì vẫn còn hơn 900 học sinh, do vậy phải tìm trường cho các em tiếp tục được học. 

"Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thi tuyển vào lớp 10 sau khi kỳ thi kết thúc, nhằm đánh giá tổng thể chất lượng giáo dục đào tạo trong thời gian qua và tìm những giải pháp căn cơ để thực hiện công tác giáo dục tốt hơn, chất lượng hơn trong thời gian tới. Sau khi thực hiện giám sát xong sẽ báo cáo HĐND tỉnh để cùng UBND tỉnh tìm giải pháp lâu dài, căn cơ cho vấn đề này", bà Hòa thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận là một trong những cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ ngày thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã huy động các nguồn lực xã hội chăm lo dạy tốt, động viên học sinh thi đua học tốt. Nhiều học sinh tốt nghiệp từ Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận tiếp tục học lên đại học, các bậc học cao hơn và trở thành cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.