Hội thi đã quy tụ hơn 300 nghệ nhân đến từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các nghệ nhân đã mang đến cho người xem những nghi thức độc đáo, tái hiện lễ hội tiêu biểu của cộng đồng; nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, xoang, nhạc cụ dân tộc và những bài hát giao duyên với ca từ mộc mạc thể hiện tình yêu, sự đoàn kết cộng đồng của mỗi dân tộc.
Kon Tum nói chung và huyện Đăk Glei nói riêng là nơi quy tụ nhiều dân tộc anh em sinh sống từ lâu đời như: Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, Tày, Nùng, Kinh… mảnh đất kiên cường, bất khuất với tên nước, tên làng đã ghi vào lịch sử rạng ngời của dân tộc. Với hơn 90% là người đồng bào DTTS, chủ yếu là người Giẻ Triêng, Xơ Đăng, văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện Đăk Glei, cũng như các huyện trong tỉnh rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. Nổi bật là cồng chiêng, xoang và các làn điệu dân ca, dân vũ với các nhạc cụ độc đáo như: Cồng chiêng, Ting ning, sáo...
Trong kho tàng âm nhạc dân gian của các dân tộc, dân ca chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Mỗi dân tộc có một chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau, độc đáo và phong phú. Dân ca, như hơi thở của đồng bào, không chỉ quen thuộc, mà còn món ăn tinh thần dân dã gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng các dân tộc huyện Đăk Glei. Các giai điệu ấy, ngoài giá trị văn học, âm nhạc, còn có giá trị về lịch sử, xã hội và dân tộc. Đi đâu họ cũng thấy núi, ở đâu họ cũng gặp rừng, thần linh, vừa xa vừa gần. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên đã dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của từng dân tộc.
Đây là dịp huyện Đăk Glei đánh giá công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn thời gian qua. Từ đó có giải pháp thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Thông qua Hội thi tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian của các DTTS trên địa bàn huyện Đăk Glei.