Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đại Từ (Thái Nguyên): Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS giai đoạn 2024-2029 xuống dưới 6,5% theo tiêu chí mới

Hà Anh - 00:05, 14/06/2024

Ngày 14/6, huyện Đại Từ tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ IV, năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc huyện Đại Từ giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và trở thành thị xã trước năm 2030”. Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện cùng 150 đại biểu là người DTTS tiêu biểu trên địa bàn.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Duy Hoàng trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân tộc.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Duy Hoàng trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân tộc.

Huyện Đại Từ hiện có 181.800 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 32,9%. Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Đại Từ lần thứ IV tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong việc đoàn kết, thực hiện chính sách dân tộc, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2024.

Đại hội cũng là dịp tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS, cổ vũ và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, đề cao giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn huyện.

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo; các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.

Giai đoạn 2021-2025, từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Đại Từ triển khai 7/10 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng. Nhiều công trình hạ tầng đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng đồng bào DTTS.

Các đại biểu tham dự Đại hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội.

Trong công tác giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo; các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như: công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập... đã được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, trên địa bàn huyện có 1.272 hộ nghèo người DTTS/16.592 hộ chiếm tỉ lệ 7,67%; Trong 2 năm 2022, 2023 trên địa bàn huyện Đại Từ giảm 638 hộ nghèo đa chiều là người DTTS tương ứng với 3,91%, bình quân giảm 1,95%/năm (vượt kế hoạch đề ra 1,3%/năm). Giai đoạn 2024-2029, huyện Đại Từ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS xuống dưới 6,5% theo tiêu chí mới

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được triển khai quyết liệt ở các xã, thị trấn. Năm 2019 huyện có 15 xã được công nhận đạt chuẩn, đến nay toàn huyện có 27/27 xã đạt chuẩn, trong đó có 05 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (Xã Tiên Hội, La Bằng, Hà Thượng, Hoàng Nông, Ký Phú). huyện Đại Từ đạt chuẩn NTM vào năm 2023, sớm hơn 01 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đại Từ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Với hiệu quả từ việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đến nay, 29/29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ đã có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm xã, 100% xã có đường trục xã, liên xã được cứng hóa theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; Hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn từng bước được xây dựng hoàn thiện; hệ thống đường điện và trạm biến áp thường xuyên được cải tạo, nâng cấp, 100% hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác, phủ sóng điện thoại và mạng internet; trên 99% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội.
Một tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội.

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, diện mạo vùng DTTS và miền núi ngày càng đổi mới và có nhiều khởi sắc. Thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhân dịp này, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện Đại Từ đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024. Đại hội cũng đã thông qua Quyết tâm thư và tiến hành bầu đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Thái Nguyên.


Tin cùng chuyên mục
Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Để triển khai có hiệu quả nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); thời gian qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Trong đó, có nội dung cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho người dân.