Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ

Ngọc Chí - 06:35, 01/12/2023

Những ngày cuối năm trong tiết trời se lạnh, những người con của đại ngàn Tây Nguyên hội tụ về thành phố Kon Tum (Kon Tum) bên dòng sông Đăk Bla huyền thoại để tham dự Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023. Những nghi lễ truyền thống được trình diễn, tiếng cồng chiêng vang lên, những vòng xoang nối dài trong tình đoàn kết các dân tộc anh em.

Tiếng cồng chiêng vang lên, những vòng xoang nối dài trong tình đoàn kết các dân tộc anh em
Tiếng cồng chiêng vang lên, những vòng xoang nối dài trong tình đoàn kết các dân tộc anh em

Tinh hoa hội tụ

Tham dự Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, những nghệ nhân người Cơ Ho nhánh S’rê, đến từ tỉnh Lâm Đồng tái hiện lại không gian linh thiêng của Lễ cúng chiêng truyền thống của người Cơ Ho. 

Trong các lễ hội nông nghiệp của người Cơ Ho, trước khi tổ chức lễ bao giờ dân làng cũng làm nghi thức Lễ cúng chiêng để xin Yàng cho hạ dàn chiêng xuống. Lễ vật thường có cá khô, muối, gạo, xôi nếp, gà và trái cây. Trong nghi thức lễ luôn có tục lệ hiến sinh để tạ ơn Yàng, vào những năm được mùa làm lễ lớn thì hiến sinh bằng trâu, nhỏ hơn thì hiến sinh bằng dê hoặc gà.

Những nghệ nhân người Cơ Ho nhánh S’rê đến từ tỉnh Lâm Đồng tái hiện lại không gian linh thiêng của Lễ cúng chiêng
Những nghệ nhân người Cơ Ho nhánh S’rê đến từ tỉnh Lâm Đồng tái hiện lại không gian linh thiêng của Lễ cúng chiêng

Nghệ nhân K’Thế chia sẻ: Đây là lễ hội đặc sắc, đặc trưng nhất của người Cơ Ho nhánh S’rê tại tỉnh Lâm Đồng, mang ý nghĩa rất lớn, tôn vinh nghệ thuật của dân tộc chúng tôi. Bài hạ thần chiêng này để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, cho cái nương, cái rẫy tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. 

" Hôm nay được trình diễn tại Ngày hội văn hóa này, tôi và các thành viên trong đoàn rất phấn khởi, được giới thiệu những giá trị văn hóa tốt đẹp đến với du khách gần xa. Qua đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc", Nghệ nhân K’Thế tự hào nói.

Thuộc thành phần dân tộc rất ít người, đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum lại có một truyền thống văn hóa đặc sắc, đậm nét và khá riêng biệt, với những nét nổi bật về tri thức dân gian, những truyện cổ, bài ca, điệu múa, biểu diễn cồng chiêng; đặc biệt là hệ thống lễ hội xoay quanh vòng đời người và vòng đời cây trồng. 

Đến với ngày hội, người Rơ Măm trình diễn Lễ mở cửa kho lúa để phục vụ du khách. Đây là lễ hội lớn nhất đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ sản xuất lúa rẫy. Khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, khi hạt lúa đã được đem về cất kĩ trong kho, người Rơ Măm tổ chức lễ mở cửa kho lúa.

Đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trình diễn Lễ mở cửa kho lúa
Đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trình diễn Lễ mở cửa kho lúa

Già A Reng kể: Lễ mở cửa kho lúa có ý nghĩa tôn vinh những hạt lúa của Yàng ban cho dân làng và tập tục cúng Yàng, cúng các thần linh để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Cộng đồng coi đây là sự tồn tại không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của đời người Rơ Măm.

Nói đến văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là phải nói đến Không gian văn hóa cồng chiêng, không gian của lễ hội được trải rộng suốt 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Từ ngàn đời nay, với đức tính hiền lành, chất phác, thương người mến khách, yêu thiên nhiên, với trí tưởng tượng bay bổng và sáng tạo, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo và nguyên sơ, phản ánh đầy đủ tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh của những con người sống giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, đầy nắng và gió.

Lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống

Ngày hội Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, là dịp để cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên được tắm mình trong dòng sông văn hoá cội nguồn, để cùng khoe sắc với đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là thông điệp trực quan vận động bà con các dân tộc ở Tây Nguyên về giữ gìn và phát huy di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Đây cũng là cơ hội để các dân tộc của các tỉnh Tây Nguyên gặp gỡ, giao lưu văn hoá, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá không gian văn hoá lễ hội của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Nghệ nhân A Yưk (dân tộc Gia Rai), xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum giới thiệu về nghề tạc tượng truyền thống
Nghệ nhân A Yưk (dân tộc Gia Rai), xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum giới thiệu về nghề tạc tượng truyền thống

Nghệ nhân A Líp (dân tộc Gia Rai), đến từ huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai chia sẻ: Tại Ngày hội này, tôi giới thiệu với du khách về nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống của người Gia Rai, như: Đàn Goong, đàn Ting ning… Thấy nhiều người đến thăm quan, tìm hiểu tôi rất vui và giới thiệu cho mọi người biết về những giá trị của nó. Đồng thời, được học hỏi, giao lưu cùng với các nghệ nhân tỉnh bạn giúp tôi hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc khác ở Tây Nguyên.

Ngày hội cũng tạo điều kiện để các tỉnh quảng bá, giới thiệu về văn hoá vùng đất con người Tây Nguyên đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, liên kết các tỉnh Tây Nguyên để phát triển vùng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm về an ninh chính trị, thu hút khách du lịch thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch. Đồng thời, khẳng định sức sống mới, sự lan toả mãnh liệt của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống đương đại.

Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội

Được chứng kiến những lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, bà Hoàng Thị Thanh Hải ở TP. Kon Tum, chia sẻ: Được xem các lễ hội của đồng bào DTTS, tôi thấy rất đặc sắc và bổ ích, thể hiện được những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Tôi đã chụp ảnh và sẽ giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh về những giá trị văn hóa đó.

Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, việc tổ chức Ngày hội cũng là một trong những nội dung nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Thông qua ngày hội, sẽ thấy được việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS vùng Tây Nguyên, qua đó kết nối và phát triển du lịch, giúp cho đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên nâng cao thu nhập từ chính những giá trị văn hóa truyền thống.

Việc tổ chức 3 năm một lần và luân phiên qua các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên là một sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng bản làng, quê hương vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.