Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn): Sớm trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh những bất cập trong tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư công để áp dụng trong giai đoạn tiếp theo, trong đó cần xem xét đến tiêu chí tỷ lệ DTTS, tiêu chí về diện tích rừng và đất rừng trên tổng diện tích tự nhiên ở các tỉnh miền núi; xem xét đến chiều dài đường giao thông liên tỉnh được tính vào tổng hệ số điểm làm cơ sở phân bổ ngân sách cho các địa phương, đảm bảo công bằng trong đầu tư giữa các vùng, miền….
Bên cạnh đó, cũng có cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng, kết nối thị trường giữa các trung tâm kinh tế lớn và các địa phương vùng đặc biệt khó khăn…Đặc biệt, sớm trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi, và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn tại Nghị quyết số 74/2018/QH14, ngày 20/11/2018 của Quốc hội.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang): Hằng năm cần có báo cáo chuyên đề về vùng DTTS, miền núi
Ngoài báo cáo đánh giá chung, hằng năm Chính phủ cần có báo cáo chuyên đề về các chính sách đầu tư phát triển kinh tế vùng DTTS, miền núi để các đại biểu nghiên cứu, phân tích, đánh giá sâu hơn các chỉ tiêu và tiến độ thực hiện các chính sách vùng DTTS.
Chính phủ nghiên cứu có các chính sách đột phá cho cải tạo đất, tái sinh rừng tự nhiên, giải quyết vướng mắc của đất nông, lâm trường, tăng cường giao đất, giao khoán rừng để đồng bào đủ tư liệu sản xuất, tạo sinh kế ổn định, bám đất giữ rừng, bảo vệ vững chắc phiên dậu chiến lược quốc phòng, biên giới quốc gia. Sau khi ban hành chính sách, Chính phủ cần bố trí nguồn lực, đảm bảo tiến độ thực thi chính sách cho đồng bào DTTS.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu): Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tinh thần Quyết định số 402/QĐ-TTg
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chủ yếu tập trung ở cấp xã, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp Trung ương lại ít dần đi, nhiều địa phương tỷ lệ này rất thấp so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn. Đặc biệt, một thực tế đáng quan tâm là cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chủ yếu bố trí làm việc ở các cơ quan như: Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tổ chức thành viên, mà ít được bố trí làm việc ở các cơ quan khối kinh tế, tài chính và các cơ quan có tính chuyên môn cao.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tinh thần Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới; Bộ Nội vụ sớm ban hành cơ chế xét tuyển đặc thù đối với con em người DTTS đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nói chung. Trong đó, quan tâm đến học sinh cử tuyển, học sinh người DTTS rất ít người…
Đại biểu Y Biêr Niê (Đăk Lăk): Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ đang ở đâu trong đà phát triển chung của đất nước?
Tôi cũng như nhiều đại biểu rất vui mừng với chỉ số GDP đạt mức tăng trưởng cao, nhưng trong báo cáo của Chính phủ không thấy đánh giá sự đóng góp của từng vùng để làm sao chúng ta biết rõ được từng vùng này. Tôi rất tâm đắc phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019: “Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị, biên giới, hải đảo”. Vậy, trong báo cáo, Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ đang ở đâu trong đà phát triển chung của đất nước. Tôi mong Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn nữa để thấy được tại sao vùng này chậm phát triển so với đà phát triển chung của đất nước để có giải pháp, chính sách căn cơ phù hợp để vùng này phát triển.
Đại biểu Rơ Châm Long (Kon Tum): Chiến lược phát triển nông nghiệp vùng DTTS bao giờ tới đích?
Mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa dân tộc Kinh và DTTS ngày càng lớn; đồng bào DTTS vẫn ít được hưởng lợi nhất từ quá trình tăng trưởng kinh tế. Cần đánh giá, nhìn nhận sâu sắc và toàn diện hơn thực chất của gần 70% dân số dựa vào đồng ruộng, vườn, rẫy. Nhưng phải chăng việc sản xuất ở đây vẫn đang trong tình trạng tự bơi là chính, ở tâm thế may nhờ rủi chịu, chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, chuyện con gà, con lợn, quả, cây, hầu như phụ thuộc vào thị trường. Các hoạt động giải cứu diễn ra trong thời gian qua là cần thiết, nhưng nếu cứ giải cứu mãi thì không ổn chút nào vì đó là biểu hiện của loay hoay, lúng túng và nếu cứ loay hoay, lúng túng như vậy thì chiến lược phát triển nông nghiệp bao giờ tới đích.