Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đặc sản ẩm thực xứ Mường

Nguyệt Anh - 11:32, 12/10/2024

Người Mường ở Việt Nam sinh sống chủ yếu ở vùng thung lũng, dọc các con sông lớn và vùng bán sơn địa, từ đó hình thành nên những tập quán ăn uống, sử dụng nguyên liệu, gia vị rất đặc trưng, tạo nên nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.

Đồng bào Mường chế biến món ăn.
Đồng bào Mường chế biến món ăn

Những món ăn, thức uống của người Mường đều khai thác từ các sản vật tự nhiên. Một số món ăn đặc trưng như: Măng đắng chấm với chẩm chéo, gà nấu măng chua hạt dổi, chả rau đáu, rau sắng, củ mài… Người Mường cũng sử dụng nhiều loại gia vị gồm: hành, tỏi, gừng, đặc biệt là hạt dổi, một số nơi sử dụng thêm mắc khén.

Trong ẩm thực, người Mường có câu nói đúc kết được kinh nghiệm hay, sâu sắc: "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới/Cơm nếp, cơm chăm, trên nương, trên nà/Cá nhỏ, cá to, trong ao, dưới suối/Đi hái, đi tìm, được rau, được quả”…

Tại tỉnh Hòa Bình - “cái nôi” văn hóa của người Mường cũng là “địa chỉ ẩm thực” đặc trưng nhất cho những ai muốn tìm hiểu, thưởng thức ẩm thực xứ Mường. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường cho biết, nói đến ẩm thực xứ Mường là nói đến rượu cần, cơm lam, thịt trâu lá lồm, cỗ lá, cá suối nướng…

BÁO IN CUỐI THÁNG - Đặc sản ẩm thực xứ Mường 1

Đặc sản rượu cần của người Mường được làm từ men lá. Vùng Mường Vang, huyện Lạc Sơn là nơi nổi tiếng làm rượu cần mang hương vị đặc trưng truyền thống. Trong văn hoá ẩm thực Mường, tục uống rượu cần tạo ra một nét văn hoá riêng. Rượu cần người Mường luôn phải uống tập thể, mỗi lần uống rượu cần là ta lại được hoà mình vào những luật vui của các tuần rượu, được nghe hát dân ca Thường rang - Bộ mẹng, hát đối đáp của các bên tham gia.

Một mâm cỗ lá của dân tộc Mường.
Một mâm cỗ lá của dân tộc Mường

Món cơm lam của người Mường được tạo nên từ gạo nếp nương vừa dẻo, vừa thơm. Khi làm cơm lam, ngoài nguyên liệu chính là gạo nếp, người Mường còn thêm vào ít nước cốt dừa để khi ống cơm lam nướng chín trên bếp than, bếp củi, hương thơm từ ống tre, nứa bánh tẻ hòa quyện cùng mùi thơm ngậy của nước cốt dừa và vị ngọt bùi của gạo nếp, tạo thành món ăn hết sức ấn tượng.

Một món ẩm thực hấp dẫn của người Mường là mâm cỗ lá. Truyền thống của người Mường là bày cỗ trên lá chuối trong tất cả những bữa cỗ cộng đồng hoặc lễ cúng lớn trong năm. Trong mỗi dịp lễ Tết, hội hè, món ăn và cách bày trí đều có những nét riêng, chứa đựng cả một tín ngưỡng. Mâm cỗ lá người Mường có nhiều món khác nhau, như thịt gà, thịt lợn luộc, lòng dồi... nhưng thường không thể thiếu chả cuốn lá bưởi, xôi và cá ốt đồ (dụng cụ hấp thức ăn làm bằng gỗ). Các loại cá trắm, cá chép, cá quả được ướp với muối, hạt tiêu, gừng, xả, ớt, hạt dổi chừng 30 phút cho ngấm, sau đó đem trộn với măng, gói đùm vào lá chuối và đặt lên ốt, đồ từ 10 đến 12 tiếng. Mâm cỗ lá còn có điểm nhấn là các loại rau rừng như: tầm bóp, rau dớn, hoa chuối thái mỏng... và một số loại rau thơm khác.

Thưởng thức mâm cỗ lá, thực khách không chỉ cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với muối hạt dổi, mà còn tìm thấy trong đó tình cảm mộc mạc, chân thành của người Mường thông qua cách bày cỗ; cảm nhận được văn hóa, phép tắc thông qua cách bày biện, trân trọng thức ăn trên mâm cỗ...

Rượu cần là đặc sản ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường.
Rượu cần là đặc sản ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường

Bên cạnh món cỗ lá, món chả cuốn lá bưởi thì món thịt trâu nấu lá lồm (lá giang) cũng rất độc đáo. Thịt trâu sơ chế bằng cách thui trên bếp than cho thơm và hầm cho lớp da bung mềm ra, sau đấy đem ra thái nhỏ, tiếp tục hầm với gạo tấm và lá lồm. Khi chín, món ăn hòa quyện với mùi thơm của lá lồm, tạo nên hương vị độc đáo.

Hiện nay, văn hoá ẩm thực của người Mường đã và đang được đồng bào lưu giữ, phát huy, góp phần quan trọng trong việc tôn vinh văn hoá dân tộc. Trong các dịp lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc Mường, chính quyền địa phương và đồng bào thường tổ chức các hội thi văn hóa ẩm thực. Nhiều món ăn truyền thống, đặc sản của người Mường được chính người dân trổ tài chế biến, nấu nướng, tạo nên nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn cho lễ hội. Bên cạnh đó, nhiều bản làng của người Mường ở Hòa Bình đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những món ăn đặc sản dân tộc.