Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, huyện Trà Cú đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương để mang lại chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.
Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng lúa, khoai môn sáp, bắp của Tổ hợp tác sản xuất ấp Giồng Lớn A, xã Đại An; mô hình lúa, ớt của Tổ hợp tác sản xuất ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên... đã giúp nhiều hộ đồng bào Khmer cải thiện thu nhập.
Ông Hà Rem, Trưởng Ban Nhân dân ấp Giồng Lớn A, xã Đại An chia sẻ: “Nhờ được Nhà nước đầu tư hạ thế lưới điện phục vụ cho sản xuất, trồng cây màu, những năm qua sản xuất của người dân trong ấp phát triển rõ rệt. Điển hình như cây khoai môn sáp đã mang lại lợi nhuận 150 triệu đồng/ha/vụ, giúp cho cuộc sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Cả ấp chỉ còn vài hộ nghèo”.
Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền huyện Trà Cú còn hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất để tạo việc làm cho người dân. Các làng nghề này đã giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
"Với nguồn lực đầu tư từ Trung ương, huyện sẽ nỗ lực giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS. Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho đồng bào DTTS ở vùng ĐBKK và khu vực nguy cơ cao về thiên tai...".
Ông Huỳnh Văn NghịPhó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú
Chị Danh Kim Ánh, ấp Chợ, xã Hàm Tân chia sẻ: “Để khôi phục và phát triển làng nghề dệt chiếu Cà Hom, chúng tôi được chính quyền hỗ trợ đầu tư vốn mua máy dệt chiếu, sản phẩm làm ra tăng gấp đôi so với làm thủ công. Từ đó, nâng cao được thu nhập, đảm bảo cuộc sống.
Cùng với đó, chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được đánh giá cao. Theo bà Quách Thị Út, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp Phố, xã An Quảng Hữu, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, hội viên phụ nữ của ấp đã đầu tư trồng màu, nuôi bò hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Trong đó, các thành viên của Tổ hợp tác trồng rau an toàn đã vươn lên khá, không còn hộ nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022 - 2025, Trà Cú sẽ thực hiện 10 dự án với tổng nguồn vốn trên 593 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào DTTS nâng cao mức sống.
Ông Huỳnh Văn Nghị - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết: Với nguồn lực đầu tư từ Trung ương, huyện sẽ nỗ lực giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS. Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho đồng bào DTTS ở vùng ĐBKK và khu vực nguy cơ cao về thiên tai...”.
Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào dân tộc ở Trà Cú đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của đồng bào đang được đổi thay từng ngày.